SDU sở hữu rất nhiều dự án có vị trí đắc địa với quy mô lớn nhưng kết quả hoạt động lại yếu kém |
Nhìn vào các diễn biến mới đây của doanh nghiệp, nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu với cung cách quản trị như hiện tại, mâu thuẫn giữa các cổ đông lớn, mâu thuẫn giữa Tổng công ty Sông Đà và người đại diện có bùng phát dữ dội hơn?
“Tiền trảm hậu tấu”
SDU có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, cổ đông lớn nhất tính đến cuối năm 2015 là Tổng công ty Sông Đà (sở hữu 30% vốn). Ông Hoàng Văn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty hiện là người đại diện vốn cho Tổng công ty Sông Đà tại doanh nghiệp.
Kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng mới đây cho thấy, trong năm 2014, ông Hoàng Văn Anh, trên cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SDU, đã ký ban hành 38 nghị quyết HĐQT nhưng không có sự tán thành của đa số thành viên HĐQT Công ty.
Tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2015 diễn ra vào cuối tháng 12/2015, ông Hoàng Văn Anh đã báo cáo, năm 2014, HĐQT Công ty đã ban hành 38 nghị quyết các loại, chỉ đạo điều hành công tác sản xuất - kinh doanh của Công ty về các vấn đề như phê duyệt dự toán công trình, phương án kinh doanh, kế hoạch đấu thầu, hồ sơ thầu, lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và thi công. Liên quan đến Dự án nhà ở xã hội Tòa nhà SDU 143 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội, có những nghị quyết HĐQT đã ban hành nhưng chưa được sự thống nhất cao của HĐQT.
Tại đại hội trên, ông Hoàng Văn Anh đề nghị cổ đông thông qua các nghị quyết đã được ban hành nhưng chưa có sự đồng thuận cao của HĐQT để đảm bảo các nghị quyết này tuân thủ đúng quy định của pháp luật và điều lệ Công ty.
Theo báo cáo quản trị năm 2014 của SDU, 38 nghị quyết HĐQT đã được ban hành năm 2014 hầu hết có liên quan đến việc đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, đối tác cho các dự án bất động sản của Công ty, các phương án kinh doanh nhà… Các nghị quyết này được đánh số và có thời gian rất lộn xộn như 05/NQ-HĐQT; 05.1A/NQ-HĐQT; 05.1B/NQ-HĐQT; 05.2/NQ-HĐQT; 05.3/NQ-HĐQT nhưng không có 05.1/NQ-HĐQT… gây khó hiểu cho các nhà đầu tư.
Còn theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, tại SDU tồn tại khoản tiền ghi là “tạm ứng cá nhân” chưa được quyết toán lên đến hơn 12,9 tỷ đồng. Tại Dự án 143 Trần Phú, Hà Đông (Hà Nội), dự toán tính thêm chi phí vận chuyển lên cao đối với gạch xây, vữa xây không phù hợp định mức của quy định pháp luật, dẫn đến tăng sai số tiền hơn 1,6 tỷ đồng; việc lắp đặt ống cấp nước lạnh cũng tính thêm chênh lệch khiến tăng chi phí đến hơn 536 triệu đồng.
Dự án “ngon”, lợi nhuận thấp
SDU tiền thân là CTCP Đô thị Sông Đà được thành lập vào năm 2007. Một nguồn tin thân cận với doanh nghiệp cho biết, Công ty được thành lập với mong muốn tạo ra một đối trọng với CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico), trong bối cảnh rối ren và bất đồng giữa các cổ đông lớn của Sudico.
Quả thực, SDU sở hữu rất nhiều dự án có vị trí đắc địa với quy mô lớn như Dự án Toà nhà Sông Đà - Hà Đông (34 tầng); Khu nhà hỗn hợp cao tầng Đô thị Sông Đà tại Bến xe Hà Đông cũ (1 khối 35 tầng và 1 khối 45 tầng); Dự án Toà nhà hỗn hợp 25 Tân Mai, Hà Nội (17 tầng); Dự án cải tạo khu nhà D2, B1 và C8 Khu tập thể Giảng Võ, Hà Nội (21, 19 và 20 tầng); Dự án cải tạo Khu tập thể Phương Mai, Hà Nội (28 héc ta); Dự án cải tạo Khu tập thể X1-26 Liễu Giai, Hà Nội (25 tầng); Dự án nhà G9 và G10, Thanh Xuân, Hà Nội (36 tầng); Dự án cải tạo Khu tập thể Văn phòng chính phủ 222A Đội Cấn, Hà Nội (21 tầng); Khu đô thị mới phường An Phú, Quận 2, TP. HCM (36 héc ta); Khu dân cư Long Thành, Đồng Nai (263 héc ta); Khu dân cư Bầu Ốc Hạ, Hội An, Quảng Nam (36 héc ta)…
Vậy nhưng, kết quả hoạt động của SDU lại rất kém. Trong 4 năm gần đây, kể từ năm 2012, lợi nhuận ròng của SDU chỉ đạt lần lượt 2,2 tỷ đồng, 1,5 tỷ đồng, 2,6 tỷ đồng và 1 tỷ đồng. Công ty còn nợ thuế trên 14,3 tỷ đồng.
Nghi vấn mâu thuẫn cổ đông
Ngoài Tổng công ty Sông Đà sở hữu 30%, trong cơ cấu cổ đông của SDU trước đây còn có CTCK VNDirect nắm giữ trên 16% vốn điều lệ. Tại ĐHĐCĐ thường niên Công ty năm 2015, các báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2014 và phương hướng nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2015, BCTC năm 2014 đã được kiểm toán đều không được thông qua nhưng Phương án phân phối lợi nhuận năm 2014 lại được thông qua.
Vì SDU đang còn nợ Ngân sách Nhà nước, không đủ điều kiện để chi trả cổ tức cho cổ đông, nên để đảm bảo nội dung Phương án phân phối lợi nhuận năm 2014 đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 thông qua không trái với quy định của pháp luật, ĐHĐCĐ bất thường của SDU cuối năm 2015 đã phải biểu quyết không chia cổ tức năm 2014 và các năm khác chưa chia.
Cũng tại Đại hội trên, HĐQT, đứng đầu là ông Hoàng Văn Anh, đã đề xuất cổ đông thông qua việc thay đổi Điều lệ Công ty cho phù hợp với Luật Doanh nghiệp 2014. Tuy nhiên, theo Biên bản đại hội, cổ đông đại diện cho Tổng công ty Sông Đà lại phản đối việc sửa đổi điều lệ trên (lưu ý, ông Hoàng Văn Anh hiện là người đại diện phần vốn cho Tổng công ty Sông Đà tại SDU) và nội dung sửa đổi Điều lệ Công ty đã không được đại hội thông qua sau đó. Điều lệ SDU hiện đang trái Luật Doanh nghiệp 2014.
Nghi vấn về mâu thuẫn giữa cổ đông Nhà nước là Tổng công ty Sông Đà và người đại diện vốn là ông Hoàng Văn Anh càng có thêm cơ sở bởi trước khi diễn ra ĐHĐCĐ bất thường năm 2015, SDU đã phải điều chỉnh thời gian tổ chức đại hội. Cụ thể, ngày 9/11/2015, SDU đã có công văn gửi Trung tâm Lưu ký về việc hủy danh sách cổ đông thực hiện quyền tham dự ĐHĐCĐ bất thường tại ngày đăng ký cuối cùng là 31/8/2015.
Lý do hủy là do cổ đông lớn là Tổng công ty Sông Đà chưa kịp thông qua tài liệu trình ĐHĐCĐ bất thường và các thành viên HĐQT bận công tác nên chưa thống nhất được thời gian họp ĐHĐCĐ bất thường theo đúng kế hoạch trong tháng 9.
Cho đến thời điểm hiện nay, dựa trên các dữ liệu liên quan đến SDU đã được công bố, cổ đông tổ chức là CTCK VNDirect đã “cao chạy xa bay” khỏi SDU bằng cách thoái sạch vốn tại doanh nghiệp vào tháng 11/2015. Trong cơ cấu cổ đông mới xuất hiện CTCP Đầu tư Xây dựng An Phú Thịnh hiện sở hữu hơn 4,6 triệu cổ phiếu SDU (tương ứng tỷ lệ 23,01%).
Tổng công ty Sông Đà đã từng công bố chào bán toàn bộ phần vốn của mình tại SDU song chưa thực hiện được. Xem ra, với những rắc rối hiện nay tại doanh nghiệp, sẽ khó có nhà đầu tư mới “dũng cảm” bỏ vốn vào SDU.
Về phía các cổ đông nhỏ lẻ, họ đang mong cơ quan quản lý thị trường là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán vào cuộc thanh kiểm tra để làm rõ những vi phạm liên quan đến quản trị doanh nghiệp và các vi phạm khác (nếu có) tại SDU.