Sau môi giới trái phép, Cenland vay tiền mua một phần Dự án Louis City Hoàng Mai

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hội đồng quản trị Công ty CP Bất động sản Thế Kỷ (Cenland, mã chứng khoán: CRE) vừa có Nghị quyết thông qua phương án vay vốn tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Thái Hà.
Phối cảnh Dự án Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ (Louis City Hoàng Mai). Ảnh Internet.
Phối cảnh Dự án Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ (Louis City Hoàng Mai). Ảnh Internet.

Theo đó, Cenland sẽ vay tối đa 1.272 tỷ đồng mục đích nhằm đầu tư nhận chuyển nhượng một phần sản phẩm bất động sản tại Dự án Đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ tại Thịnh Liệt, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội (tên thương mại là Louis City Hoàng Mai) do Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai làm chủ đầu tư.

Dự kiến, số lượng sản phẩm Cenland mua gồm 65 lô biệt thự và 12 lô liền kề, chiếm khoảng 9% tổng số căn biệt thự liền kề của Dự án Louis City Hoàng Mai. Thời hạn vay theo dòng tiền thực tế của Dự án.

Trước khi đầu tư nhận chuyển nhượng tại dự án này, Cenland còn gây sự chú ý của giới đầu tư bất động sản khi là nhà phân phối rao bán dự án ở thời điểm Dự án chưa đủ điều kiện mở bán chính thức khi chưa hoàn thiện hạ tầng, đường giao thông hồi tháng 6/2020.

Ở thời điểm đó, theo phản ánh của báo chí, toàn bộ Dự án Louis City Hoàng Mai mới chỉ là một mảnh đất trống. Khuôn viên khu đất được giới thiệu là giai đoạn 1 của Dự án cũng vẫn chỉ một bãi đất đã được san phẳng, cùng những con đường mới được rải nhựa. Tuy nhiên, Cenland đã mở bán cho nhà đầu tư nhỏ lẻ từ tháng 3/2020.

Cụ thể, Cenland đã mua 103 căn biệt thự, liền kề, sau đó bán lại cho khách hàng với giá không đổi so với hợp đồng. Một nhân viên của Cenland cũng thừa nhận về thủ tục pháp lý hiện còn thiếu biên bản nghiệm thu hạ tầng.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, theo tìm hiểu, Cenland không còn là đơn vị phân phối Dự án Louis City Hoàng Mai, thay vào đó đơn vị phân phối chính thức hiện tại là Đất Xanh Miền Bắc.

Năm 2011, Dự án Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ được UBND TP. Hà Nội chấp thuận giao Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC đầu tư với tổng vốn đầu tư là hơn 2.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, do vướng mắc đền bù với một số hộ dân tại phường Thịnh Liệt và Hoàng Văn Thụ, Dự án bị chậm tiến độ, “đứng im” trong nhiều năm.

Đến năm 2017, UBND TP. Hà Nội đồng ý cho UDIC hợp tác đầu tư với 2 công ty khác có liên quan với Tập đoàn Lã Vọng là Công ty CP Thương mại Ngôi nhà mới và Công ty CP Đầu tư và Thương mại Louis, thành lập Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai để tiếp tục triển khai, hoàn thiện thủ tục đầu tư Dự án.

Tại thời điểm thành lập, UDIC nắm 15% vốn điều lệ Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai, Công ty CP Thương mại Ngôi nhà mới nắm 35% vốn điều lệ, Công ty CP Đầu tư và Thương mại Louis nắm 50% vốn điều lệ. Người đại diện theo pháp luật của Công ty Hoàng Mai là ông Lê Văn Vọng, thời điểm đó đồng thời là Chủ tịch Tập đoàn Lã Vọng.

Đến tháng 2/2018, 2 doanh nghiệp có liên quan đến Tập đoàn Lã Vọng đồng loạt rút vốn nên cơ cấu cổ đông hiện tại chỉ còn lại UDIC. Người đại diện mới thay cho ông Lê Văn Vọng là ông Nguyễn Văn Quang.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu, ông Nguyễn Văn Quang cũng không phải là người xa lạ với doanh nghiệp "họ nhà Lã Vọng". Cụ thể, ông Quang trước đó là cổ đông sáng lập Công ty CP Đầu tư và Phát triển Ngôi nhà mới, cổ đông sáng lập của Công ty CP Đầu tư phát triển và dịch vụ thương mại Đại An.

Về pháp lý của dự án này, đầu năm 2020, trong kết luận thanh tra các dự án của Tập đoàn Lã Vọng, Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại Dự án. Chẳng hạn như, năm 2011, UBND TP. Hà Nội giao UDIC làm chủ đầu tư Dự án không thông qua đấu thầu là thực hiện không đúng quy định tại Điều 13 và Điều 14 Nghị định 90 của Chính phủ.

Năm 2017, Hà Nội tiếp tục phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án, xác định phần diện tích đất ở cao tầng là 7,044 ha, trong đó có 2,04 ha đất đã quy hoạch nhà ở cao tầng khu di dân; đấu giá thực hiện dự án riêng, giao quỹ đất 20% của Dự án để làm dự án đối ứng BT, không xem xét đến chủ trương của Thành phố về phát triển quỹ nhà dành cho tái định cư và nhà ở xã hội là trái với quy định của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo UBND quận Hoàng Mai kiểm tra lại Dự án, trong trường hợp tiếp tục giao cho Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai làm chủ đầu tư cần rà soát lại thủ tục trình tự đúng quy định pháp luật, ghi nhận số tiền 135,401 tỷ đồng bồi thường giải phóng mặt bằng cao hơn mức được phê duyệt mà Công ty Hoàng Mai chi trả cho hộ dân.

Chuyên đề