Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050: Thêm động lực tăng trưởng để phân tán rủi ro

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong 10 năm qua, Hà Tĩnh là một trong các địa phương có tăng trưởng rất tốt, một phần nhờ Khu kinh tế Vũng Áng, cảng nước sâu Vũng Áng… Trong thời gian tới, Hà Tĩnh xác định phát triển bền vững dựa trên những thế mạnh sẵn có để gia tăng tốc độ tăng trưởng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hà Tĩnh xác định Khu kinh tế Vũng Áng là trung tâm động lực tăng trưởng. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải
Hà Tĩnh xác định Khu kinh tế Vũng Áng là trung tâm động lực tăng trưởng. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải

Phát triển bền vững từ kinh nghiệm xử lý sự cố Formosa

Sáng 23/3 tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp thẩm định của Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch) với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng cho biết, khi xây dựng Quy hoạch, tỉnh Hà Tĩnh xác định tập trung vào các lĩnh vực có nhiều tiềm năng để phát triển; phát triển kinh tế kết hợp với xã hội; xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; phát triển bền vững về kinh tế, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Tỉnh đặt mục tiêu trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, phấn đấu đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người cao hơn bình quân các tỉnh Bắc Trung Bộ, đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước.

Ông Hoàng Trung Dũng nêu các ưu tiên phát triển trong thời gian tới gồm: 4 lĩnh vực kinh tế trọng điểm; 3 trung tâm đô thị; 3 hành lang kinh tế; 1 trung tâm động lực tăng trưởng (Khu kinh tế Vũng Áng với nòng cốt là Nhà máy Thép Formosa, cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương, các khu công nghiệp trong khu kinh tế và thị xã Kỳ Anh); 3 nền tảng chính cho phát triển… Trong đó, 4 lĩnh vực kinh tế trọng điểm gồm: công nghiệp luyện thép, chế biến chế tạo và năng lượng; nông, lâm, thủy sản; thương mại, dịch vụ, logistics; du lịch. 3 nền tảng chính cho phát triển gồm: nguồn nhân lực và văn hóa; kết cấu hạ tầng đồng bộ; thể chế và môi trường kinh doanh.

Theo Báo cáo Quy hoạch của Tỉnh, sau sự cố Formosa, Hà Tĩnh hiểu rõ về công tác bảo vệ môi trường trong phát triển. Hà Tĩnh sẽ biến kinh nghiệm này thành yếu tố tích cực và xem đó như lợi thế cạnh tranh của Tỉnh để phát triển bền vững.

Làm rõ thêm động lực phát triển

Đại diện Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định, ông Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch thuộc Bộ KH&ĐT đề nghị, Báo cáo Quy hoạch của Hà Tĩnh cần bổ sung và làm rõ về đánh giá tác động và ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu đối với sự phát triển của Tỉnh; bổ sung đánh giá hiện trạng sử dụng đất, công tác bảo vệ môi trường… Đối với quan điểm, mục tiêu và lựa chọn phương án phát triển ở mức cao của Tỉnh, đề nghị bổ sung thêm luận cứ và cơ sở khoa học của các đề xuất này để bảo đảm tính khả thi và là cơ sở chuẩn xác cho các tính toán trong việc cân đối nguồn lực.

Về các ưu tiên phát triển, chuyên gia kinh tế cao cấp Cao Viết Sinh cho rằng, 4 lĩnh vực kinh tế trọng điểm mà Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh đưa ra cần phải rà soát và chọn ra trọng tâm cụ thể để dành ưu tiên cao trong thời gian tới. Quy hoạch nêu khá đầy đủ phương án để phát triển các ngành, lĩnh vực, trong đó trọng tâm vẫn dựa vào Formosa. “Việc tính toán chặng đường phát triển của Tỉnh tập trung vào một doanh nghiệp, làm động lực tăng trưởng là chưa cân đối và có thể gây rủi ro trong dài hạn”, TS. Cao Viết Sinh khuyến cáo.

Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh là quy hoạch tỉnh thứ 2 được Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho ý kiến thẩm định. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh cần xác định thêm các phương án dự phòng cho phát triển. Hà Tĩnh cần lựa chọn ngành mũi nhọn, trụ cột để giúp Tỉnh phát triển đột phá thời gian tới; có thể có những khu công nghiệp liên kết với Khu kinh tế Vũng Áng để tận dụng cảng nước sâu, nhà máy điện đã hình thành… nhưng phải có sự khác biệt với Khu kinh tế Vũng Áng (có thể theo hướng khu công nghiệp sinh thái) để tạo sự hấp dẫn, mới mẻ trong thu hút đầu tư.

Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh cũng cần có sự liên kết với vùng Nam Nghệ An (kết nối với đô thị và sân bay ở Vinh) và Bắc Quảng Bình (kết nối với Khu kinh tế Hòn La) thông qua những cây cầu qua sông Lam, đầu tư hạ tầng giao thông phục vụ cho phát triển, đối ngoại, liên kết vùng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, phát triển đô thị cũng là một động lực của tăng trưởng, Hà Tĩnh có thể phát triển đô thị bám theo các trục giao thông quan trọng như hành lang kinh tế ven biển và quản lý chặt chẽ quỹ đất dọc các hành lang kinh tế này. Quỹ đất này sẽ được đấu giá, tạo nguồn lực quan trọng cho Tỉnh để đầu tư phát triển.

Sau khi tổng hợp các ý kiến thẩm định, Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định sẽ có văn bản chính thức gửi tỉnh Hà Tĩnh để Tỉnh giải trình, làm rõ và thực hiện các bước tiếp theo trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch.

Chuyên đề