PVL đang bị mắc kẹt tại Dự án PetroVietnam Landmark và Dự án Nam Đàn Plaza. Ảnh: Lê Tiên st |
Tiếp tục thua lỗ
Quý I/2017, PVL chỉ phát sinh khoảng 68 triệu đồng doanh thu từ mảng cung cấp dịch vụ, trong khi chi phí hoạt động để duy trì bộ máy tiếp tục gia tăng đã khiến cho Công ty trở lại vòng xoáy thua lỗ. Việc ghi nhận khoản lỗ 2,13 tỷ đồng trong quý I/2017 đã nới rộng khoản lỗ lũy kế lên 194,2 tỷ đồng (38% vốn điều lệ doanh nghiệp) tại thời điểm 31/3/2017.
Tình trạng thua lỗ nêu trên là dễ hiểu khi hàng loạt những vướng mắc pháp lý và tài chính của Công ty đều chưa được giải quyết. Một lượng tiền lớn bị “ứ đọng” tại Dự án PetroVietnam Landmark, Nam Đàn Plaza đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ triển khai của các dự án khác. Bên cạnh đó, các cổ đông lớn liên tục “tháo chạy” khiến cho hoạt động kinh doanh của Công ty đình trệ trong thời gian dài.
Dự án PetroVietnam Landmark do PVC Land làm chủ đầu tư, nằm trên khuôn viên gần 19.000 m2 gồm chung cư cao cấp, trung tâm thương mại và văn phòng. Dự án gồm 418 căn hộ, với tổng giá trị 1.028 tỷ đồng. Với dự án này, PVL đã nhận từ phía người mua trên 220 tỷ, đồng thời đã trả trước cho PVC Land hơn 291,83 tỷ đồng theo tiến độ để mua 141 căn hộ (tổng giá trị hợp đồng 346 tỷ đồng), hứa hẹn được bàn giao nhà vào cuối năm 2011. Thế nhưng do khó khăn về vốn, PVC Land không thể hoàn thiện dự án để bàn giao nhà cho người mua. Gần đây nhất, ngày 24/2/2017, Tòa án nhân dân TP.HCM đã chính thức ban hành Quyết định 52/2017/QĐ-MTTPS mở thủ tục phá sản đối với PVC Land.
Vấn đề này đã được PVL dự đoán từ trước khi Công ty ghi nhận một khoản dự phòng phải trả dài hạn là số lỗ ước tính 45,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo thuyết minh báo cáo tài chính, mức lỗ từ dự án này có thể sẽ được nới rộng thêm khi khách hàng mua căn hộ có đơn khiếu kiện. Khoản lỗ tiềm ẩn dễ nhìn thấy nhất là việc bồi thường vi phạm Hợp đồng số 110/2011/HĐTTMG-PVL về việc phân phối độc quyền các căn hộ Dự án PetroVietnam Landmark với Công ty Đầu tư TM -DV Hưng Thịnh Phát có giá trị 19,2 tỷ đồng. Hưng Thịnh Phát đã có đơn kiện PVL tại Tòa án nhân dân huyện Từ Liêm (Hà Nội) và đang trong giai đoạn xét xử phúc thẩm.
Bên cạnh đó, khoản góp vốn vào Công ty CP Địa ốc Dầu khí Viễn thông (114,49 tỷ đồng) để thực hiện Dự án Nam Đàn Plaza cũng không hiệu quả. Dự án nằm ngay mặt đường Phạm Hùng, có diện tích gần 10.000 m2, được cấp phép đầu tư làm Trung tâm tang lễ từ năm 2002 với thời hạn thuê đất là 30 năm. Tuy nhiên, sau nhiều lần chuyển đổi công năng, dự án đã trở thành tổ hợp trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp với hai tòa tháp cao 54 tầng (xấp xỉ 1.000 căn hộ chung cư). Hiện tại, sau gần 14 năm, Dự án vẫn chưa được triển khai và trở thành bãi tập kết kho hàng hay gara sửa chữa của nhiều hộ tư nhân.
Kỳ vọng đổi chủ
Tiếp đó, sự xuất hiện khá đột ngột của cổ đông mới là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển công nghệ Việt Nam (VITD) mua lại 8% vốn còn lại tại PVL của PVC trong những ngày gần đây có thể sẽ khiến cho câu chuyện đổi chủ của PVL trở nên hấp dẫn hơn.
Cho dù về tay ai đi nữa, điều các cổ đông của PVL đang kỳ vọng là luồng gió mới giúp Công ty xử lý được các vấn đề tài chính và khơi thông luồng vốn triển khai các dự án.