Rà soát pháp luật Việt Nam với cam kết EVFTA: Thiếu nhất quán thực thi pháp luật về thương mại

(BĐT) - Việc thiếu cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành là một trong những thách thức lớn nhất để thực hiện cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) về lĩnh vực thương mại nói chung và hải quan nói riêng.
Phần lớn pháp luật về hải quan của Việt Nam đã tương thích với cam kết EVFTA
Phần lớn pháp luật về hải quan của Việt Nam đã tương thích với cam kết EVFTA

Rà soát pháp luật hải quan là cần thiết…

Kết luận tại Báo cáo rà soát pháp luật của Việt Nam với các cam kết EVFTA về hải quan và minh bạch hóa cho thấy, pháp luật Việt Nam gần như đã tương thích với EVFTA. Cụ thể,  pháp luật Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu của EVFTA về thông quan hàng hóa nhanh chóng, tiếp tục giảm thời gian giải phóng hàng, làm thủ tục hải quan điện tử và xử lý tờ khai điện tử trước khi hàng hóa đến, tạo điều kiện cho việc thông qua ngay khi hàng đến. Do đó, không cần bổ sung, sửa đổi gì về nội dung này.

Pháp luật Việt Nam cũng đã phù hợp với cam kết EVFTA về chính sách, nguyên tắc về hoạt động hải quan, hiện đại hóa quản lý hải quan, quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan… Tuy nhiên, vẫn còn 2 yêu cầu rất nhỏ chưa tương thích là yêu cầu không phân biệt đối xử với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chế độ doanh nghiệp ưu tiên và yêu cầu mỗi giấy tờ hành chính chỉ phải nộp một lần.

Bên cạnh cam kết về mặt pháp luật, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cái mà EVFTA đòi hỏi cao hơn là hiệu quả thực thi. Do đó, cùng với việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật chưa tương thích, thì còn phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật Việt Nam và cả những cam kết của EVFTA.

Đồng thuận với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Thanh Trà, Phòng Thương mại Liên minh châu Âu cho rằng: “Theo lộ trình, trong khoảng 2 năm nữa, EVFTA sẽ có hiệu lực. Do đó, bây giờ là thời điểm vàng để Việt Nam rà soát pháp luật trong nước nhằm bảo đảm tương thích với các cam kết của EVFTA và cải thiện việc thực thi, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật”. 

…nhưng chưa đủ

Với kinh nghiệm tham gia rà soát các văn bản pháp luật về kinh doanh từ những năm 2013, 2014, ông Nguyễn Hữu Huỳnh, Chủ tịch Ủy ban Tư vấn chính sách thương mại quốc tế thuộc VCCI chia sẻ, để quá trình rà soát các quy định của pháp luật và việc thực thi pháp luật đạt hiệu quả, đòi hỏi sự tham gia của tất cả bên liên quan, nhất là cộng đồng doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, 40 - 50% khuyến nghị của cộng đồng doanh nghiệp đã được Quốc hội tiếp thu và đưa vào các văn bản pháp luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư năm 2014. Do vậy, nỗ lực rà soát là không đủ, mà cần có sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, các chuyên gia độc lập và không chỉ rà soát các quy định pháp luật, mà còn phải rà soát cả mức độ thực thi các quy định pháp luật đó.

Đồng quan điểm, Bà Nguyễn Thị Hiền, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Tổng cục Hải quan cho rằng, để tạo thuận lợi thương mại, chỉ dựa vào quy định pháp luật hải quan là không đủ, mà cần có sự phối hợp của các bộ, ngành khác ban hành quy định liên quan đến thương mại như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành chính sách kiểm định động thực vật, Bộ Công Thương ban hành chính sách về mặt hàng, Bộ Y tế ban hành chính sách về an toàn thực phẩm...

Xét về thời gian thông quan, chỉ có 28% thời gian là ở cơ quan hải quan, 72% thời gian còn lại là nằm ở các cơ quan khác.
Đánh giá kết quả rà soát của VCCI, ông Nguyễn Thanh Bình, chuyên gia độc lập về lĩnh vực hải quan cho rằng, việc pháp luật Việt Nam đã cơ bản đáp ứng cam kết của EVFTA là đáng mừng. Tuy nhiên, thực tế thực thi được đến đâu là vấn đề đáng bàn hơn. Doanh nghiệp vẫn phàn nàn rằng nhiều thủ tục hành chính rườm rà, chi phí cao, chính sách “phập phù” và thay đổi liên tục. Bên cạnh các văn bản quy phạm pháp luật như pháp lệnh, luật, nghị định, thông tư…, nhiều khi, doanh nghiệp còn gặp khó khăn, vướng mắc do các văn bản hành chính, văn bản điều hành thiếu minh bạch, không dứt khoát.

Theo ông Bình, nếu xét về thời gian thông quan, chỉ có 28% thời gian là ở cơ quan hải quan, 72% thời gian còn lại là nằm ở các cơ quan khác. Do đó, chỉ rà soát các quy định pháp luật về hải quan là chưa đủ, mà còn phải rà soát cả các văn bản do các cơ quan nhà nước quản lý chuyên ngành và các tổ chức cung cấp dịch vụ ban hành.

Chuyên đề