3 trọng tâm sửa đổi Luật Cạnh tranh

(BĐT) - Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2017) và thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2018). 
Chỉ khi thị trường cạnh tranh tốt thì lợi ích của người tiêu dùng mới được bảo đảm. Ảnh: Minh Yến
Chỉ khi thị trường cạnh tranh tốt thì lợi ích của người tiêu dùng mới được bảo đảm. Ảnh: Minh Yến

Theo ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, cần phải sửa Luật theo 3 hướng trọng tâm, trong đó có việc quy định mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh có tính độc lập hơn hiện nay.

Thưa ông, Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) đang được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến đã giải quyết được những tồn tại, hạn chế sau khoảng 12 năm Luật có hiệu lực?

Về kỹ thuật thì Dự thảo Luật đã cơ bản giải quyết được những tồn tại, hạn chế của Luật Cạnh tranh năm 2004, nhưng về vấn đề vận hành như tổ chức bộ máy thực thi pháp luật về cạnh tranh thì chưa làm được. Do đó, vẫn cần một nỗ lực lớn để hoàn thiện Dự thảo Luật.

3 trọng tâm sửa đổi Luật Cạnh tranh ảnh 1
Ông Trần Hữu Huỳnh
Đâu là tồn tại, hạn chế lớn nhất của Luật Cạnh tranh năm 2004?

Theo tôi, mô hình gồm hai cơ quan thực thi cạnh tranh hiện nay là Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương và Hội đồng Cạnh tranh có mâu thuẫn và xung đột về lợi ích, yếu về thẩm quyền. Tồn tại này làm kéo dài quá trình giải quyết các vụ việc về cạnh tranh.

Trong khi đó, việc thực thi chính sách cạnh tranh của các cơ quan quản lý, chính quyền cũng như các cán bộ công chức, viên chức… còn những bất cập. Thực tế cho thấy, đang có “khoảng mờ” về mặt kiểm soát các hành vi phản cạnh tranh và các chế tài xử lý vi phạm không rõ ràng. Những thỏa thuận “ngầm” giữa các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp với nhau để bảo vệ quyền lợi của họ làm phương hại đến lợi ích của cạnh tranh, quyền lợi của người tiêu dùng. 

Những hạn chế nêu trên phải khắc phục theo hướng nào, thưa ông?

Có 3 hướng cần xử lý. Thứ nhất là những vấn đề kỹ thuật về pháp luật cạnh tranh. Do thị trường của chúng ta ngày càng phát triển, nên cách thức tính toán trong các trường hợp sáp nhập, hợp nhất, mua bán,… cũng phải thay đổi một số vấn đề về kỹ thuật để kiểm soát.

Thứ hai là kiểm soát hành vi của các cơ quan, cán bộ công chức, viên chức trong việc tôn trọng thực thi pháp luật về cạnh tranh. Tôi cho rằng, chỉ khi pháp luật về cạnh tranh được thực thi tốt thì thị trường mới được vận hành một cách lành mạnh và khi đó chúng ta mới có doanh nghiệp mạnh đứng vững trên thị trường. Hơn nữa, chỉ khi có pháp luật cạnh tranh tốt, thị trường cạnh tranh tốt thì lợi ích của người tiêu dùng mới được bảo đảm. Trong trường hợp này, Ban soạn thảo Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) cần tham khảo thêm kinh nghiệm của quốc tế để mở rộng pháp luật cạnh tranh áp dụng cho các chủ thể có liên quan ở bên ngoài lãnh thổ nhưng có thể làm ảnh hưởng đến lợi ích của kinh tế Việt Nam.

Thứ ba, mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh phải có tính độc lập hơn mô hình hiện hành, không thể để một bộ vừa làm chức năng đại diện phần vốn của nhiều doanh nghiệp nhà nước, đồng thời lại làm chức năng kiểm soát cạnh tranh, bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng. 

Theo ông, để Luật Cạnh tranh (sửa đổi) có thể đi vào cuộc sống, cần thêm những điều kiện gì?

Theo tôi, chúng ta cần đặt Luật Cạnh tranh trong toàn bộ chính sách phát triển và bảo vệ cạnh tranh. Trong thời kỳ hội nhập, yêu cầu về cạnh tranh là vô cùng quan trọng. Quốc gia chỉ có thể tồn tại và cạnh tranh thì mới phát triển và thịnh vượng được. Do đó, những quy định tại các điều khoản của Luật rất quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn là tinh thần của Luật phải được thấm đẫm trong các luật khác liên quan, chứ không chỉ riêng luật về cạnh tranh. 

Ông nhìn nhận như thế nào về chính sách cạnh tranh trong công tác đấu thầu hiện nay?

Pháp luật cạnh tranh quy định rất rõ về chống một số hành vi cạnh tranh không bình đẳng, trong đó có hành vi thông đồng trong đấu thầu. Pháp luật về đấu thầu hiện hành cũng quy định rất rõ trường hợp nào mới được áp dụng chỉ định thầu. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi chính sách, vấn đề chỉ định thầu và thông thầu chúng ta chưa giải quyết được.

Chuyên đề