Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). (Ảnh: Nationalinterest) |
Trong cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jim Mattis tại Nhà Trắng hôm 8/6, ông Trump đã tỏ ra tức giận với quyết định của Hàn Quốc, hãng tin Yonhap dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên cho biết.
Nếu những tiết lộ là chính xác thì điều này sẽ dấy lên quan ngại về mức độ ảnh hưởng của vấn đề tới hội nghị thượng đỉnh đầu tiên mà ông Trump và ông Moon cùng tham gia, dự kiến diễn ra vào ngày 29/6 đến 30/6.
Hồi đầu tháng 6, Hàn Quốc đã tạm dừng triển khai 4 bệ phóng tên lửa thuộc hệ thống phòng thủ THAAD với lý do đánh giá ảnh hưởng tới môi trường. Điều này đã gây nên những nghi ngờ rằng việc đình trệ có thể là bước đầu tiên để Hàn Quốc từ chối triển khai hệ thống này trên lãnh thổ của họ. Tuy nhiên, Seoul cam kết việc nghiên cứu về môi trường sẽ không làm đảo ngược bản thỏa thuận triển khai giữa 2 bên.
Vào ngày 16/6, học giả ngoai giao Moon Chung-in, cố vấn đặc biệt cho Tổng thống Moon trả lời truyền thông Mỹ rằng, việc nghiên cứu môi trường là quy trình phải thực hiện để đảm bảo tính dân chủ của Hàn Quốc. Ông cũng cho rằng THAAD không phải là tất cả mọi thứ trong mối liên minh Mỹ và Hàn Quốc từ trước tới nay.
Việc triển khai THAAD bắt đầu hồi tháng 3 khi Mỹ đưa tới Hàn Quốc 2 trong số 6 bệ phóng tên lửa. 4 bệ phóng còn lại đã được vận chuyển tới quốc gia này, tuy nhiên chưa được lắp đặt. Việc điều tra về môi trường đã làm gián đoạn tiến độ triển khai hệ thống.
THAAD được triển khai theo thỏa thuận giữa chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye từ năm 2016. Việc Hàn Quốc đồng ý triển khai THAAD đã gây ra phản ứng dữ dội từ Trung Quốc vì lo ngại hệ thống radar của THAAD sẽ được dùng để do thám Trung Quốc.