Ảnh minh họa: Internet |
Không dám lộ diện từ đầu vì sẽ... “cháy điện thoại”
Câu chuyện tại một gói thầu có giá trị hơn 100 tỷ đồng vừa được tổ chức đóng, mở thầu ở TP.HCM là một ví dụ điển hình của thực tế nêu trên. Trong 3 nhà thầu nộp HSDT theo quy định, chỉ duy nhất 1 nhà thầu mua HSMT ngay sau thời điểm bắt đầu phát hành HSMT theo thông báo mời thầu được công bố. Riêng 2 nhà thầu còn lại, thời điểm mua HSMT chỉ trước thời điểm đóng thầu 15 phút. Tuy nhiên, HSDT của cả hai nhà thầu này đều được chuẩn bị công phu, niêm phong đúng quy định, tuân thủ đầy đủ những yêu cầu cơ bản của HSMT như có đơn dự thầu chuẩn, có chứng thư bảo lãnh của ngân hàng… Và khi bên mời thầu mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật (HSĐXKT), cả 2 nhà thầu đều thể hiện có sự cạnh tranh chứ không bị những lỗi cơ bản.
Lý giải cho hiện tượng này, các nhà thầu mua HSMT sát giờ mở thầu đã chia sẻ chân tình với phóng viên Báo Đấu thầu. “Thực sự không ai muốn như vậy. Chúng tôi cũng muốn đàng hoàng mua HSMT từ đầu và có nhiều thời gian chuẩn bị HSDT cho chuẩn. Tuy nhiên, công khai lộ diện như thế, áp lực nhiều không tả nổi”, nhà thầu phân trần.
Theo các nhà thầu, lý do chính yếu của việc “ẩn mình” nêu trên là nếu xuất đầu lộ diện ngay từ đầu, chỉ vài phút sau khi cầm HSMT trong tay, điện thoại của nhà thầu sẽ… “cháy máy”. “Họ, những nhà thầu đối thủ, hoặc những nhà thầu có định hướng trước sẽ liên tục gọi điện, tìm gặp để “thương thảo”, “xin”… Nếu mình rắn, quyết tâm không “nhường”, đôi khi chính chủ đầu tư ra mặt trực tiếp luôn. Nếu mình càng không nhân nhượng, thật khó tin, nhưng chủ đầu tư của các gói thầu mình đang, đã cộng tác cũng gọi. Áp lực, mệt mỏi và bực bội lắm. Đi đâu cũng gặp, gói nào cũng thế thì không tài nào tham dự được gói thầu nào”, nhà thầu than thở.
Một nhà thầu tại Bình Dương cho biết, danh sách nhà thầu mua HSMT đáng lẽ ra là chỉ có bên mời thầu và chủ đầu tư nắm. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ cần xuất hiện mua HSMT, không hiểu sao, ngay lập tức các nhà thầu khác đã biết và liên tục đòi thương lượng, thậm chí dọa dẫm, yêu cầu rút lui.
Chính vì vậy, để tránh phiền phức, các nhà thầu sẽ đợi cận thời điểm đóng thầu mới mua HSMT. Thậm chí, việc mua HSMT ngay trước thời điểm đóng thầu, gần như ngày càng phổ biến.
Nhiều chiêu dự thầu kiểu du kích
Câu hỏi đặt ra ở đây là mua HSMT muộn, thậm chí sát giờ đóng thầu, làm thế nào mà nhà thầu muốn dự thầu thật sự vẫn có thể chuẩn bị HSDT kịp? Những sẻ chia của nhà thầu với phóng viên Báo Đấu thầu cho thấy, có nhiều chiêu thức “ẩn mình” để dự thầu kiểu du kích.
Theo đó, trừ trường hợp dự thầu theo hình thức liên danh, chỉ cần một trong các thành viên trong liên danh mua HSMT, còn lại, những trường hợp không mua HSMT nhưng vẫn tham dự thầu đều tìm ra cách thức để không bị động trong việc chuẩn bị HSDT. “Thông qua các nhà thầu khác, qua nhiều kênh, chúng tôi vẫn có được HSMT chính thức trong tay để chuẩn bị HSDT. Chỉ đến sát thời điểm đóng thầu, mọi thứ rất gấp rút, chúng tôi mới ra mặt chính thức để mua HSMT. Lúc đó, đã đến giờ nộp HSDT, chuyện cạnh tranh đã rất khác, thể hiện qua năng lực và giá dự thầu của từng nhà thầu”, một nhà thầu chia sẻ.
Một điểm thuận lợi nữa cho các nhà thầu là theo quy định hiện hành, bên mời thầu phải tiếp nhận HSDT của tất cả các nhà thầu nộp HSDT trước thời điểm đóng thầu, kể cả trường hợp nhà thầu tham dự thầu chưa mua hoặc chưa nhận HSMT trực tiếp từ bên mời thầu. Trường hợp chưa mua HSMT thì nhà thầu phải trả cho bên mời thầu một khoản tiền bằng giá bán HSMT trước khi HSDT được tiếp nhận. Như vậy, nếu vì một lý do nào đó, trong quá trình phát hành HSMT, nhà thầu không mua được, hoặc không muốn ra mặt mua HSMT thì vẫn được đảm bảo quyền lợi dự thầu.
Theo phản ánh của các nhà thầu đến Báo Đấu thầu, quy định này của pháp luật về đấu thầu là rất “mở”, tạo ra sự cạnh tranh cũng như tạo điều kiện tối đa cho các nhà thầu tham dự thầu.
Tuy vậy, trên thực tế, không phải lúc nào quy định rất “mở” nêu trên cũng được các bên mời thầu tuân thủ một cách nghiêm túc. Đơn cử câu chuyện xảy ra cách đây không lâu tại Trà Vinh, khi một bên mời thầu nhất quyết không cho nhà thầu nộp một khoản tiền bằng giá bán HSMT (các nhà thầu thường gọi đây là phí dự thầu), tước quyền dự thầu chính đáng của nhà thầu. Cách xử lý của bên mời thầu đã bộc lộ rõ sự yếu kém trong tổ chức đấu thầu, khước từ quyền lợi chính đáng của nhà thầu trong việc né tránh không bán HSMT trong thời gian quy định, đến trước thời điểm đóng thầu lại không cho nhà thầu nộp phí dự thầu.
Và theo chia sẻ của các nhà thầu, lường trước những “bất trắc” xảy ra trong quá trình tham dự thầu, các nhà thầu đã phải lên rất nhiều phương án để có thể tham dự thầu thành công như: nhờ mua HSMT, vẫn chuẩn bị HSDT, đến sát thời điểm đóng thầu vẫn mua HSMT, nếu không mua được hồ sơ thì yêu cầu được nộp phí dự thầu.
Lâu nay, dư luận thường đặt câu hỏi về “động cơ dự thầu” của những nhà thầu mua HSMT trễ, sát giờ đóng thầu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải cứ mua HSMT sát giờ đóng thầu đã là “quân xanh”. Và danh sách dày đặc các nhà thầu mua HSMT “đường đường chính chính” mà các bên mời thầu công bố, đôi khi lại hoàn toàn không đáng tin.