Ảnh Internet |
Trước Covid-19, tốc độ chuyển đổi chậm chạp
Từ trước đại dịch, International Data Coperation dự báo, đến năm 2022, giá trị chuyển đổi số trên thế giới ước đạt 2.000 tỷ USD và tăng trưởng cao gấp 4 lần so với mức tăng trưởng trung bình của thị trường dịch vụ công nghệ thông tin. Sau đại dịch, mọi việc có thể tiến nhanh hơn nữa.
Theo Báo cáo về nền kinh tế số tại Đông Nam Á của Google, Tamesek và Bain & Company, năm 2019, kinh tế số của Việt Nam và Indonesia tăng trưởng như “rồng được tháo xích”, dẫn đầu khu vực Đông Nam Á (khoảng 38%) và dự kiến có thể đạt mục tiêu 43 tỷ USD vào năm 2025. Đại dịch Covid-19 sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp trong khu vực tiến hành chuyển đổi số nhanh hơn nữa.
Trong kinh tế số, “kinh tế nền tảng số” đóng vai trò quan trọng. Tại Việt Nam, khái niệm này liên tục được nhấn mạnh trong “Chiến lược chuyển đổi số quốc gia” công bố năm 2019. Tuy nhiên, kinh tế nền tảng nên được đối xử như thế nào trong chiến lược chuyển đổi số, một cách phù hợp và khả thi, dường như vẫn còn khá mơ hồ.
Thực tế, đại dịch Covid-19 cùng với các lệnh giãn cách xã hội đã giúp doanh nghiệp nhận ra vai trò ngày một quan trọng của chuyển đổi số. Tuy nhiên, những con số từ trước Covid-19 cho thấy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam diễn ra chậm chạp, thiếu kỹ năng số và nhân lực, thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số, thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp vẫn là những điểm yếu trong công cuộc chuyển đổi số.
Báo cáo của VCCI cho thấy, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam chiếm tới hơn 98% số lượng doanh nghiệp, song trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế, có đến 80 - 90% máy móc sử dụng trong các doanh nghiệp Việt Nam là nhập khẩu, gần 80% là những công nghệ cũ từ thập niên 1980 - 1990.
Còn theo kết quả khảo sát của Bộ Công Thương, có tới 16/17 ngành được khảo sát đang có mức độ sẵn sàng thấp trước xu hướng tham gia ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động của doanh nghiệp. Đáng chú ý, số doanh nghiệp mới bắt đầu biết về chuyển đối số chiếm tới trên 80%.
Chuyển đổi số - cơ hội tăng thu nhập lên 20%/năm
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Trường - cựu Giám đốc Dịch vụ chuyển tiền Momo và đồng sáng lập AhaMove - tại Tọa đàm Kinh tế nền tảng trong chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách của Đại học Quốc gia tổ chức ngày 20/5, nền kinh tế số đang giúp việc kết nối rất mạnh. Khác với trước, một người có thể làm được nhiều nghề, tối đa hóa được thời gian nhàn rỗi, khoảng thời gian làm việc có ích cho một con người. Khi cả quốc gia chuyển đổi số, thì cơ hội sẽ mở ra rất lớn bởi dòng tiền quay vòng nhanh hơn, thu nhập có thể tăng lên khoảng 20%/năm.
PGS.TS Nguyễn Ái Việt, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, chuyển đổi số là phương thức sản xuất mới dựa trên nền tảng công nghệ. Công nghệ đang thay đổi cách thức làm ăn lâu nay. Muốn chuyển đổi được vào không gian số thì chúng ta phải có con người, xã hội, môi trường số, và chính phủ minh bạch số, hạ tầng số và kinh tế số. Kết nối càng nhiều, cơ hội càng lớn, mua bán đáp ứng nhu cầu của xã hội, tạo sản phẩm mới. Quan trọng nhất hiện nay là kết nối vào không gian số, giảm chi phí giao dịch và thực hiện dễ dàng hơn so với hình thức tiếp xúc trực tiếp.
Để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần có sự giúp sức của không ít các nền tảng, ví dụ như: BASE – chuyên cung cấp giải pháp cho doanh nghiệp trong thời kì 4.0 trong việc quản trị công việc, nhân lực và tài chính; Slack, Zoom, Skype, Microsoft Team giúp đỡ các công ty trong việc cải thiện hiệu quả giao tiếp; Ybox, Vietnamwork tối ưu hoá việc tuyển dụng nhân sự…
Thực tế cho thấy, thời gian qua có nhiều các cơn sốt công nghệ nhanh chóng ra đời nhưng không lâu sau đã biến mất, bị thay thế. Do đó, lời khuyên của PGS.TS Nguyễn Ái Việt cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam là không nên làm rộng, mà nên đi vào thị trường ngách. Khó khăn của Việt Nam hiện nay chính là môi trường pháp lý và tâm lý. Muốn xin một giấy phép về thương mại điện tử rất vất vả, nhưng có giấy phép cũng chưa chắc có kinh doanh thành công. Do đó, trong thời gian tới, Chính phủ cần mở hành lang pháp lý cho lĩnh vực này.