Ảnh minh họa: Internet |
Áp lực với Basel II
Mới đây nhất, BIDV cho biết đã thông qua phương án bán 17,65% vốn điều lệ hiện tại cho đối tác chiến lược Hàn Quốc là Ngân hàng KEB Hana, qua đó, nâng mức vốn điều lệ lên 40.220 tỷ đồng.
Agribank cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiến nghị báo cáo Chính phủ phê duyệt phương án cấp thêm 20.200 tỷ đồng vốn điều lệ cho giai đoạn 2016 - 2020. “Nếu không được cấp thêm vốn thì đến cuối năm 2019, Agribank khó có thể đáp ứng yêu cầu về CAR theo quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Bên cạnh đó, từ chỗ là ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất, Agribank đã tụt xuống vị trí thứ tư, việc thiếu vốn có thể làm giảm uy tín, hạn chế khả năng cấp tín dụng của Ngân hàng”, ông Trình Ngọc Khánh, Chủ tịch HĐTV của Agribank nói.
Tại VietinBank, ngân hàng đang giữ vị trí quán quân về quy mô vốn điều lệ với hơn 37,2 nghìn tỷ đồng, cổ đông “ngoại” là Ngân hàng MUFG (Nhật Bản) cũng đã đề xuất nâng tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng này từ 19,73% lên 50% vốn điều lệ.
Với Vietcombank, ngân hàng này đã được NHNN phê chuẩn việc tăng vốn điều lệ 10% theo kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ lên mức 39.575 tỷ đồng.
Đánh giá về xu hướng tăng vốn của các ngân hàng nói trên, NHNN cho biết, hệ thống ngân hàng đang chịu áp lực rất lớn trong việc cải thiện, nâng cao năng lực tài chính để đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, đặc biệt là các NHTM có vốn nhà nước trên 50% vốn điều lệ. Thực tế, tỷ lệ CAR bình quân hiện hành của 4 NHTM nêu trên chỉ ở mức 9,4%, thấp hơn nhiều so với mức 13% bình quân cả hệ thống. Hơn nữa, nếu tính toán theo Chuẩn mực vốn Basel II tại Thông tư 41, hệ số CAR của các ngân hàng này sẽ còn thấp hơn mức tối thiểu quy định 8%.
Do đó, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ cho rằng, việc tăng vốn điều lệ vào lúc này có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động của ngành ngân hàng và cả nền kinh tế. Theo đó, vốn điều lệ sẽ hỗ trợ ngân hàng có điều kiện mở rộng tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo an toàn tài chính theo chuẩn mực quốc tế.
NHNN đang xây dựng phương án
Nội dung tăng vốn của các NHTM cũng đã được đề cập tại Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020” và “Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” lần lượt theo Quyết định 1058/QĐ-TTg năm 2017 và Quyết định 986/QĐ-TTg năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Từ phía Agribank, ông Trình Ngọc Khánh nêu ý kiến: “Đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt và cấp đủ vốn điều lệ cho Agribank. Trong trường hợp chưa được cấp đủ vốn từ ngân sách nhà nước, đề nghị cho phép Ngân hàng được để lại một phần số tiền thu được từ nợ đã xử lý rủi ro và đã trích lập các quỹ theo quy định để tăng vốn điều lệ trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp trong lộ trình cổ phần hóa. Đồng thời, có cơ chế đặc thù cho Agribank được áp dụng tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động phù hợp với thời gian chưa được cấp bổ sung vốn điều lệ”.
Trong khi đó, để giải quyết căn cơ bài toán về vốn mà không dựa quá nhiều vào nguồn lực ngân sách, BIDV đã có công văn gửi NHNN với nội dung đáng chú ý là: “Đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành nghiên cứu, xem xét chủ trương dài hạn 3 - 5 năm cho việc nâng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng lên 30% theo kinh nghiệm của các nước ASEAN, tạo lộ trình cần thiết cho việc nâng cao năng lực tài chính và củng cố vị thế trên thị trường”.
Những kiến nghị này của các NHTM nhà nước được dự đoán sẽ sớm được xử lý trong thời gian tới, bởi thời hạn đáp ứng các yêu cầu về vốn không còn dài.
Đáng chú ý, tại Hội nghị đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Cần nâng cao năng lực tài chính để các NHTM có thêm vốn cho hoạt động cấp tín dụng. NHNN và các cơ quan chức năng cần nêu ý kiến và đề xuất với Chính phủ để có giải pháp cho việc tăng vốn điều lệ cho các NHTM cổ phần nhà nước”.
Từ phía NHNN, cơ quan này cho biết đang xây dựng phương án tăng vốn điều lệ của các NHTM nhà nước/có vốn nhà nước đến năm 2020 và sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.