Thanh Hóa yêu cầu cụ thể về thời gian giải ngân và quy định rõ ràng về trách nhiệm của chủ đầu tư các dự án đầu tư công. Ảnh: Nhã Chi |
Năm 2019, sẽ cần nhiều hơn các giải pháp đột phá, cả về thể chế và tổ chức thực hiện, để nguồn vốn đầu tư công được sử dụng đúng tiến độ, chất lượng.
Giải ngân 2018 tiếp tục chậm
Trả lời báo chí ngày 21/1/2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản nguồn ngân sách nhà nước năm 2018 vẫn chậm chuyển biến. Ước tính đến 31/12/2018, vốn giải ngân mới đạt 67,6% dự toán. Số vốn giải ngân cao hơn về số tuyệt đối nhưng thấp hơn về tỷ lệ so với cùng kỳ năm 2017.
“Tỷ lệ giải ngân vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) đạt rất thấp, đến hết 15/12/2018 mới đạt 31%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2017 (61%) nên kéo tỷ lệ giải ngân bình quân chung xuống thấp”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết. Nguyên nhân do năm 2018, vốn TPCP bố trí cho các bộ, ngành, địa phương phần lớn đều dành cho các dự án khởi công mới. Các dự án đều được phê duyệt cùng thời gian vào tháng 10/2017 nên hầu hết đều đang lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công, sau đó mới tổ chức đấu thầu xây lắp, nên việc giải ngân vốn TPCP tập trung vào những tháng cuối năm 2018.
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân. Đó là các ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực đang tiếp tục rà soát, bàn giao, củng cố, hoàn thiện bộ máy theo Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng; vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB); quy định “thời gian giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hàng năm được kéo dài sang năm sau” gây tâm lý “để dành” việc, đến cuối năm mới bắt đầu đôn đốc thực hiện kế hoạch...
Đối với các dự án thực hiện bằng nguồn vốn nước ngoài, Bộ Tài chính cho biết, từ năm 2016 đến nay chỉ được giải ngân trong phạm vi kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền giao, không được giải ngân vượt như thời điểm trước năm 2016. Năm 2018, một số dự án ODA đã được bố trí kế hoạch vốn, nhưng hết thời hạn giải ngân vốn theo thỏa thuận, hiệp định hoặc quyết định của cấp có thẩm quyền. Do đó, chủ đầu tư phải làm thủ tục gia hạn giải ngân theo quy định, cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án cũng như tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA.
Kinh nghiệm từ tỉnh đạt 100% kế hoạch
Tại Hội nghị Tổng kết ngành Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhắc lại nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2018 chậm do cả vướng mắc về thể chế và tổ chức thực hiện, vì cùng mặt bằng pháp lý nhưng có nơi làm tốt, có nơi không tốt. Thực tế, vẫn có những địa phương kết quả giải ngân đạt khá cao. Thanh Hóa, với kết quả giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công, là một ví dụ.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng, công tác chuẩn bị các dự án đầu tư được triển khai sớm, có chất lượng, đủ điều kiện để giao vốn, triển khai. Kế hoạch vốn được Tỉnh giao chi tiết ngay từ tháng 1/2018 và bố trí tập trung cho các chương trình, dự án trọng điểm, các dự án chuyển tiếp, thanh toán các dự án hoàn thành.
Việc bố trí vốn cho GPMB được Tỉnh đặc biệt chú trọng, bố trí đủ vốn dự kiến cho công tác GPMB, còn lại mới bố trí vốn cho xây lắp, chi phí khác; tránh tình trạng chủ đầu tư cho nhà thầu ứng vốn nhưng không có mặt bằng thi công. UBND các huyện, thị xã, thành phố phải thực hiện việc bố trí vốn đối ứng theo cam kết cho công tác GPMB thực hiện các dự án trên địa bàn sử dụng ngân sách cấp trung ương, cấp tỉnh. Trường hợp không cân đối, bố trí được kinh phí theo cam kết cho GPMB, giao Sở KH&ĐT nghiên cứu, tham mưu dừng thực hiện dự án.
Tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu cụ thể về thời gian giải ngân. Đối với các dự án đã có quyết toán dự án hoàn thành và được ghi vốn trong năm 2018, yêu cầu hoàn thành công tác thanh toán trước ngày 30/4/2018. Đối với các dự án chuyển tiếp, yêu cầu đến ngày 30/6/2018 phải giải ngân tối thiểu 50% số vốn được giao và hết năm phải hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn. Đối với các dự án khởi công mới năm 2018 đã ghi vốn, yêu cầu phải hoàn thành thủ tục lựa chọn nhà thầu xong trước ngày 30/6/2018. Trong quá trình thực hiện, thường xuyên rà soát, điều chuyển chủ đầu tư, điều chuyển vốn của các dự án có tiến độ thực hiện chậm, giải ngân thấp, không đảm bảo tỷ lệ giải ngân để bố trí cho các dự án trọng điểm và các dự án đủ điều kiện theo quy định trong 3 đợt: đợt 1 trước ngày 30/6/2018; đợt 2 trước ngày 30/9/2018; đợt 3 trước ngày 30/10/2018.
Đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa quy định rõ ràng về trách nhiệm của chủ đầu tư. Các chủ đầu tư phải ký cam kết tiến độ GPMB của từng dự án với UBND cấp huyện; xây dựng và ban hành kế hoạch chi tiết các hạng mục công việc cần triển khai cho từng dự án, gửi cơ quan chủ quản dự án và Sở KH&ĐT để theo dõi, tổng hợp...