Nhà ở xã hội: "Cần 4 trụ cột và phải hành động ngay"

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đó là quan điểm của ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Điạ ốc Hoàng Quân tại cuộc họp góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi về phát triển và quản lý và đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đến năm 2030, tổ chức ngày 2/3 tại TP.HCM.
Quy định lợi nhuận định mức dự án không vượt quá 10% đã ảnh hưởng và làm giảm hiệu quả của nhà đầu tư. Ảnh: Ngô Ngãi
Quy định lợi nhuận định mức dự án không vượt quá 10% đã ảnh hưởng và làm giảm hiệu quả của nhà đầu tư. Ảnh: Ngô Ngãi

"Mới đây, Báo Tuổi trẻ có bài viết "Cần 'bộ ba' cho nhà ở xã hội" khá đầy đủ thông tin. Tuy nhiên, theo tôi, chỉ "bộ ba" gồm vốn, quỹ đất và chính sách thôi là chưa đủ, mà cần thêm một trụ cột nữa rất quan trọng, đó là thủ tục hành chính. Mỗi khi thủ tục hành chính bị ách tắc, thì chủ đầu tư dự án chỉ biết kêu trời vì tất cả mọi kế hoạch dường như đình trệ", ông Tuấn chia sẻ.

Trong các doanh nghiệp bất động sản làm dự án nhà ở xã hội hiện nay, có lẽ Hoàng Quân là một trong những đơn vị dẫn đầu khi đã triển khai 25 dự án khắp các tỉnh thành; trong đó có 10 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, 3 dự án sắp bàn giao và 12 dự án đang thực hiện, cung ứng cho thị trường hàng chục nghìn căn hộ. Thế nhưng, ông Tuấn cũng thừa nhận, từ trước đến nay "chưa có dự án nào lời quá 10%, đa phần là khoảng 5%, có nhiều dự án thua lỗ".

Bởi giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội theo Thông tư 09/2021/TT-BXD hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP là các chi phí hợp lệ, hợp lý như chi phí tổ chức bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp… hiện được quy định là 2% trên chi phí đầu tư xây dựng phần nhà ở xã hội, trong khi thực tế khoảng 7 - 8%. Đồng thời, quy định lợi nhuận định mức dự án không vượt quá 10% nên đã ảnh hưởng và làm giảm hiệu quả của nhà đầu tư, do đó không thu hút được sự tham gia rộng rãi của các doanh nghiệp.

"Những vướng mắc thì Chính phủ và các ban ngành liên quan đã nắm, giờ cần nhất là bắt tay hành động. Phải cần hành động ngay để hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ về chủ trương xây dựng Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp trong giai đoạn từ nay tới năm 2030", ông Tuấn nói.

Chia sẻ với những khó khăn của các chủ đầu tư đang phát triển dự án nhà ở xã hội, ông Dương Long Thành - Chủ tịch HĐQT Thắng Lợi Group cho hay, doanh nghiệp của ông có 30 ha đất tại 4 dự án, đang xây dựng các sản phẩm nhà ở cho người thu nhập thấp tại Long An, với số lượng 100.000 căn, triển khai thực hiện trước 50%.

"Với quỹ đất làm nhà ở xã hội mà doanh nghiệp đã mua rồi thì Nhà nước nên đưa vào chi phí thực tế mà doanh nghiệp đã mua chứ không phải tính theo đơn giá Nhà nước công bố, và được cấn trừ vào chi phí hợp lý của doanh nghiệp", ông Thành đề xuất.

Vẫn theo ông Thành, Nhà nước cần có cơ chế khích lệ xứng đáng cho những doanh nghiệp làm tốt nhà ở xã hội, mà cụ thể là nên thưởng 3 - 5% lợi nhuận sau khi kiểm toán, vì khi kiểm toán có nhiều chi phí thực tế doanh nghiệp đã chi ra nhưng không được tính là hợp lý.

Liên quan đến đối tượng được mua nhà ở xã hội, nhiều luật sư và doanh nghiệp tham dự cuộc họp đều nhất trí rằng, Chính phủ cần điều chỉnh mức thu nhập thuộc diện phải đóng thuế thu nhập cá nhân cho phù hợp với thực tế, vì với mức đóng thuế thu nhập cá nhân hiện nay là 11 triệu đồng sẽ làm hạn chế đối tượng được mua. Đặc biệt, cắt giảm điều kiện đối với thuê nhà ở xã hội (chỉ cần là đối tượng thu nhập thấp), đối với trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội thì chỉ cần đảm bảo hai điều kiện là chưa có nhà ở và thu nhập thấp.

Riêng thủ tục lựa chọn nhà đầu tư làm nhà ở xã hội, hiện nay quy trình lựa chọn nhà đầu tư phải thực hiện nhiều bước và thông qua đầu thầu. Ngoài ra, các quy định về lựa chọn chủ đầu tư tại Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và Luật Đất đai chưa có sự thống nhất. Do đó, nhiều ý kiến tại cuộc họp kiến nghị cần đẩy nhanh thủ tục bằng hình thức chỉ định thầu theo Luật Đất đai và theo Khoản 12 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) Nguyễn Văn Khôi chỉ ra 4 vấn đề nổi cộm mà các doanh nghiệp kiến nghị cần tháo gỡ, gồm: quy hoạch, kế hoạch, vị trí đất để phát triển dự án nhà ở xã hội; nguồn vốn; cơ chế chính sách; quy trình thủ tục hành chính. Theo ông Khôi, thời gian qua, việc phát triển nhà ở xã hội gặp vô vàn khó khăn.

"Trên cơ sở tập hợp các ý kiến, VNREA sẽ có văn bản chính thức gửi đến Thủ tướng Chính phủ. Hy vọng lần này, những chính sách mới ban hành sẽ sát với thực tiễn và sớm tạo một bước đột phá mới trong phát triển nhà ở xã hội", ông Khôi cho biết.

Chuyên đề