Ảnh minh họa |
Các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty phải coi đây là nhiệm vụ, trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tái cơ cấu nền kinh tế; bảo đảm tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế, thủ tục hành chính gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo mọi thuận lợi thúc đẩy phát triển.
Từng Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đề cao trách nhiệm cá nhân, bám sát tình hình, chủ động, quyết liệt hành động bảo đảm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đã đề ra đối với ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu không hoàn thành chỉ tiêu được giao. Định kỳ trước ngày 20 hằng tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thuộc ngành, lĩnh vực, địa phương phụ trách, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ hằng tháng.
Đề xuất chính sách tín dụng hỗ trợ tiêu dùng, nhà ở
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương trong điều hành các chính sách tiền tệ, tài khóa, đầu tư, thương mại, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững. Phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm 2017 vượt mức kế hoạch 18% với cơ cấu tín dụng hợp lý, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống. Nghiên cứu, có giải pháp phù hợp huy động nguồn vốn vàng, ngoại tệ nhàn rỗi trong dân để phục vụ đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội; xem xét, đề xuất chính sách tín dụng hỗ trợ tiêu dùng, nhà ở, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2017.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ quản lý các ngành sản xuất rà soát tình hình thực hiện các chỉ tiêu tăng trưởng của từng ngành, từng lĩnh vực theo từng tháng. Giao Tổng cục Thống kê báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chính phản ánh kết quả sản xuất kinh doanh của một số ngành, lĩnh vực chủ yếu vào ngày 25 hằng tháng. Tăng cường theo dõi việc thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc.
Bộ Tài chính siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý và điều hành tài chính - ngân sách nhà nước. Tăng cường quản lý, chống thất thu thuế, nhất là đối với hộ kinh doanh cá thể. Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp liên quan đến thuế và phí. Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan điều hành giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu theo lộ trình phù hợp, bảo đảm kiểm soát lạm phát.
Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ
Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ. Khuyến khích thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị. Có giải pháp tổng thể, lâu dài về quy mô, cơ cấu sản xuất phù hợp với thị trường tiêu thụ, tăng cường chế biến sâu, nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh của nông sản.
Bộ Công Thương tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận hành các hồ chứa thủy điện, bảo đảm an toàn cho Nhân dân vùng hạ du và an toàn công trình; cung ứng đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt, nhất là trong đợt cao điểm mùa hè.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, nhất là dự án sân bay Long Thành, dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Kịp thời hoàn thiện các yêu cầu, điều kiện để Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, có giải pháp giảm phí tại một số trạm thu phí BOT trên nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng.
Bộ Xây dựng theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường bất động sản và có giải pháp tăng cường công tác quản lý, bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, ổn định; báo cáo Chính phủ về tình hình, giải pháp khắc phục tình trạng khan hiếm cát xây dựng ở một số địa phương; có giải pháp sản xuất vật liệu thay thế cát tự nhiên để hạn chế tình trạng khai thác cát lòng sông.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát, kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo thực hiện nghiêm việc tạm dừng cấp mới giấy phép các dự án xã hội hóa tận thu cát nhiễm mặn; đấu tranh phòng, chống “cát tặc”; phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Tăng cường chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm học 2017 - 2018.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ tại các cơ sở kinh doanh du lịch, điểm du lịch; đồng thời chủ động đề xuất giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, thiết thực kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ; chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm học 2017 - 2018.
Kiên quyết lập lại trật tự vỉa hè, không để tái lấn chiếm
Các thành phố trực thuộc trung ương, đi đầu là thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh kiên quyết lập lại trật tự vỉa hè, không để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm; chỉ đạo chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp.
Bộ Công an phối hợp với bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; triển khai các giải pháp phòng ngừa, bảo đảm an ninh mạng, tấn công mạng; tập trung ngăn chặn, xử lý tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản, cát, sỏi lòng sông; triển khai hiệu quả các giải pháp phòng ngừa cháy nổ. Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế tập trung điều tra, làm rõ sự cố y tế tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chỉ đạo triển khai nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII; thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các trường hợp nhũng nhiễu, quan liêu, tiêu cực, kiên quyết không để lợi ích nhóm; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chú trọng xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, chuyên nghiệp.
Kết thúc thí điểm bình ổn giá dịch vụ bốc dỡ công-te-nơ tại cảng Cái Mép - Thị Vải
Về thực hiện thí điểm bình ổn giá dịch vụ bốc dỡ công-te-nơ tại khu vực cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Chính phủ thống nhất đến hết ngày 30/6/2017 kết thúc thí điểm bình ổn giá dịch vụ bốc dỡ công-te-nơ khu vực cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu bằng biện pháp áp dụng giá tối thiểu.
Kể từ ngày 1/7/2017, việc quản lý giá dịch vụ bốc dỡ công-te-nơ khu vực cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện theo quy định của Bộ luật Hàng hải Việt Nam và các văn bản pháp luật có liên quan.
Để triển khai quản lý giá dịch vụ bốc dỡ công-te-nơ, Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá dịch vụ tại cảng biển theo quy định của Bộ luật Hàng hải Việt Nam và các văn bản pháp luật liên quan; hướng dẫn các doanh nghiệp cảng biển thực hiện kê khai giá, niêm yết, công khai thông tin về giá; tiếp nhận kê khai giá dịch vụ tại cảng biển theo thẩm quyền quy định tại Luật giá và các văn bản hướng dẫn; nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật về hàng hải để tạo điều kiện cho thị trường cảng biển Việt Nam phát triển, cạnh tranh với các cảng trong khu vực; nghiên cứu, đánh giá, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý giá dịch vụ tại cảng biển cho phù hợp.
Miễn học phí mầm non 5 tuổi vùng đặc biệt khó khăn
Để bảo đảm mọi đối tượng trong độ tuổi đều được tiếp cận với giáo dục, hạn chế tình trạng bỏ học và tăng tỷ lệ trẻ em đến trường ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, Chính phủ thống nhất thực hiện chính sách miễn học phí đối với giáo dục mầm non cho trẻ em 05 tuổi ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ năm 2018.
Chính phủ cũng đồng ý tiếp tục thực hiện các chính sách được quy định tại Quyết định số 1033/QĐ-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng đồng bằng sông Cửu Long và Quyết định số 1951/QĐ-TTg ngày 02 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề các tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi của các tỉnh giáp Tây Nguyên cho đến hết ngày 31/12/2020.
Gia hạn miễn thị thực cho công dân 5 nước
Về miễn thị thực đơn phương cho công dân một số nước, Chính phủ thống nhất gia hạn 01 năm kể từ ngày 1/7/2017 đến hết ngày 30/6/2018 việc miễn thị thực cho công dân các nước: Vương quốc Anh, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Liên bang Đức, Vương quốc Tây Ban Nha và Cộng hòa I-ta-li-a khi nhập cảnh Việt Nam với thời hạn tạm trú tại Việt Nam không quá 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.