Không chạy đua tăng lãi suất qua cách thức phát hành chứng chỉ tiền gửi với các gói trung và dài hạn để cải thiện cơ cấu vốn cho vay, trên thị trường hiện có một vài ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất thông qua các chương trình khuyến mại tặng quà. |
Không còn chạy đua tăng lãi suất qua cách thức phát hành chứng chỉ tiền gửi với các gói trung và dài hạn để cải thiện cơ cấu vốn cho vay, trên thị trường hiện có một vài ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất thông qua các chương trình khuyến mại tặng quà.
Cụ thể, tại PVcomBank, từ ngày 9 - 24/5, ngân hàng này triển khai chương trình ưu đãi lãi suất tiết kiệm nhằm giúp khách hàng đẩy nhanh tốc độ tích lũy.
Theo đó, với các khoản tiền gửi từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, khách hàng được hưởng mức lãi suất tăng thêm 0,1%/năm so với mức lãi suất niêm yết; Với các khoản tiền gửi từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, lãi suất được cộng thêm 0,2%/năm so với mức lãi suất niêm yết. Với các khoản từ 500 triệu đồng trở lên, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất cao hơn 0,3%/năm so với mức lãi suất niêm yết.
Tuy nhiên, theo lưu ý của ngân hàng này, chương trình tặng thêm lãi suất này chỉ áp dụng với các khách hàng mở mới sổ tiết kiệm có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên và không áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng.
Hay tại VietBank, ngân hàng này cũng đang chạy chương trình gửi tiết kiệm trực tuyến (online) lãi suất lên tới 8% đối với kỳ hạn 36 tháng. Điểm đặc biệt của sản phẩm này là lãi suất cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm tại quầy 0,1%/năm.
Khảo sát tại một số ngân hàng khác cho thấy, lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng tuy không được nâng lên kịch trần nhưng lại thu hút khách hàng bằng các chương trình khuyến mại hấp dẫn như quà tặng và rút thăm trúng thưởng cuối kỳ…
Dữ liệu tại Công ty CK Bảo Việt cho hay, tuần vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bơm mới 7.000 tỷ đồng qua kênh OMO trong khi đó lượng vốn đáo hạn trong tuần đạt 31.000 tỷ đồng. Do vậy, 24.000 tỷ đồng đã được NHNN hút ròng qua kênh này.
Trong khi đó, NHNN không phát hành tín phiếu đối với tất cả các loại kỳ hạn. Diễn biến này cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng đang dần trở về trạng thái dư thừa.
Lãi suất liên ngân hàng tuần qua có xu hướng giảm nhẹ (biên độ từ 0,037% - 0,137%) đối với tất cả các loại kỳ hạn.
Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm giảm 0,137% về mức 4,783%/năm; lãi suất trung bình kỳ hạn 1 tuần giảm 0,037% về mức 4,783%/năm và lãi suất trung bình kỳ hạn 2 tuần giảm 0,07% còn mức 4,75%/năm.
Vậy nên, việc một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất kỳ hạn dài có thể là động thái nhằm khuyến khích nhu cầu gửi tiền của người dân. Hiện tại, người gửi tiền đã bắt đầu chuyển sang gửi dài hạn để được hưởng mức lãi suất 7- 7,9%/năm, bởi biên độ chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn và dài ngày đang được các ngân hàng áp dụng khá lớn từ 2 - 3%.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 20/4/2017, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,78% so với tháng 12/2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 4,54%). Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tăng 3,39% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm trước tăng 4,01%). Trong khi đó, tín dụng 4 tháng đầu năm lại tăng tới 4,86%, cao nhất trong vòng 6 năm qua.