Mua sắm thiết bị giáo dục tại Vĩnh Long: Nhiều nhà thầu “đầu hàng” trước tiêu chí hàng mẫu

(BĐT) - Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư xây dựng Phát Lộc được giao làm Bên mời thầu 2 gói thầu mua sắm thiết bị giáo dục ở Vĩnh Long với tổng giá trị hơn 12 tỷ đồng. Với danh mục hơn 200 loại hàng hóa mỗi gói và yêu cầu về cung cấp hàng mẫu tại hồ sơ mời thầu (HSMT), nhiều nhà thầu ngậm ngùi thua cuộc, nhường cho Công ty TNHH Trí Nguyên Việt trúng cả 2 gói.
Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư xây dựng Phát Lộc là bên mời thầu của nhiều gói thầu mua sắm thiết bị giáo dục tại Vĩnh Long. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư xây dựng Phát Lộc là bên mời thầu của nhiều gói thầu mua sắm thiết bị giáo dục tại Vĩnh Long. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Tại Gói thầu số 3 Thiết bị đồ dùng học tập khác thuộc Dự án Đầu tư thiết bị thực hiện chương trình đổi mới giáo dục phổ thông lớp 4 và lớp 8 trên địa bàn huyện Bình Tân với giá gói thầu 3,507 tỷ đồng, phạm vi cung cấp 211 mặt hàng, Biên bản mở thầu cho thấy, có 4 nhà thầu tham dự, gồm: Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Vũ Tịnh (giá dự thầu 2,511 tỷ đồng); Công ty TNHH Xây dựng Đại Hồng Phước (2,94 tỷ đồng); Công ty TNHH Trí Nguyên Việt (3,502 tỷ đồng); Công ty TNHH Đỉnh Phong Thịnh (3,766 tỷ đồng).

Trong thời gian mời thầu, một số nhà thầu đề nghị Bên mời thầu làm rõ yêu cầu về hàng mẫu (để làm cơ sở nghiệm thu). Cụ thể, HSMT quy định, nếu Bên mời thầu yêu cầu cung cấp một số hàng mẫu (để làm cơ sở nghiệm thu) thì trong thời gian 5 ngày kể từ ngày Bên mời thầu thông báo về việc thương thảo hợp đồng, nhà thầu sẽ cung cấp hàng mẫu theo yêu cầu. Nếu nhà thầu không đáp ứng về thời gian cung cấp và hàng mẫu nhà thầu cung cấp không đáp ứng yêu cầu thì thương thảo hợp đồng không thành công. Ngoài ra, nhà thầu có cam kết tất cả các thiết bị phải được Chủ đầu tư, quản lý dự án, giám sát và đơn vị sử dụng nghiệm thu tại địa điểm cung cấp (ở từng trường) xong thì nhà thầu mới được cung cấp.

Theo các nhà thầu, đây là tiêu chí trái quy định pháp luật về đấu thầu. Cụ thể, Điều 27 Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT quy định, HSMT không được đưa ra yêu cầu về hàng mẫu; trường hợp cần yêu cầu về hàng mẫu để đánh giá về kỹ thuật thì chủ đầu tư phải trình người có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Bên cạnh đó, các nhà thầu cho rằng, việc yêu cầu nhà thầu cam kết tất cả các thiết bị phải được nghiệm thu tại địa điểm cung cấp (ở từng trường) xong thì nhà thầu mới được cung cấp làm hạn chế nhà thầu tham gia, vì danh mục hàng hóa của gói thầu này trên 200 loại, có nhiều hàng hóa cồng kềnh như cầu môn, cột, bảng bóng rổ, cột, lưới… nên yêu cầu như trên là gây lãng phí và không cần thiết. Nếu Chủ đầu tư muốn nghiệm thu để đảm bảo chất lượng trước khi cung cấp đại trà thì chỉ cần thống nhất cung cấp hàng hóa, thiết bị để nghiệm thu tại 1 đơn vị sử dụng.

Hai gói thầu mua sắm thiết bị giáo dục tương tự tại huyện Mang Thít và huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long do Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư xây dựng Phát Lộc làm Bên mời thầu cũng phát sinh nhiều yêu cầu làm rõ HSMT, nhiều nhà thầu bị loại liên quan đến hàng mẫu và thương thảo không thành công.

Trước phản ánh của các nhà thầu, Bên mời thầu cho biết, yêu cầu về hàng mẫu nhằm đảm bảo quyền lợi của bên mua sắm tài sản được kiểm tra chất lượng hàng hóa làm cơ sở nghiệm thu sau này, tránh trường hợp ký hợp đồng mà chất lượng hàng hóa khi cung cấp không đáp ứng HSMT. Bên mời thầu cũng cho rằng, 5 ngày là “thời gian rộng rãi” kể từ ngày gửi thông báo thương thảo hợp đồng để nhà thầu chuẩn bị hàng hóa đối chiếu. Ngoài ra, Bên mời thầu khẳng định, yêu cầu nghiệm thu tại địa điểm cung cấp (ở từng trường) không gây hạn chế nhà thầu.

Kết quả, Công ty TNHH Trí Nguyên Việt trúng thầu với giá 3,327 tỷ đồng. Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Vũ Tịnh và Công ty TNHH Xây dựng Đại Hồng Phước bị loại ở bước đánh giá năng lực, kinh nghiệm do không đáp ứng yêu cầu về nhân sự và hàng mẫu. Công ty TNHH Đỉnh Phong Thịnh không cam kết theo yêu cầu về hàng mẫu dẫn đến bị loại.

Tình trạng tương tự xảy ra tại Gói thầu số 3 Thiết bị đồ dùng dạy học khác thuộc Dự án Đầu tư thiết bị thực hiện chương trình đổi mới giáo dục phổ thông lớp 4 và lớp 8 trên địa bàn huyện Trà Ôn với giá dự toán 8,853 tỷ đồng. Biên bản mở thầu ghi nhận có 4 nhà thầu tham dự.

Kết quả, Công ty TNHH Trí Nguyên Việt tiếp tục trúng thầu với giá 8,539 tỷ đồng. Công ty TNHH Nhật Linh Đà Nẵng và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Vũ Tịnh bị loại vì không đạt về năng lực, kinh nghiệm. Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại dịch vụ Thủy Ngân bị loại do thương thảo không thành công (Nhà thầu cung cấp hàng mẫu không đáp ứng theo yêu cầu của HSMT).

Một số chuyên gia đấu thầu cho rằng, phản ánh của nhà thầu là có cơ sở. Đối chiếu danh mục mua sắm cho thấy đây là các hàng hóa thông dụng, đã được tiêu chuẩn hóa phục vụ dạy học chứ không phải thiết bị công nghệ cao cần chuyển giao. Danh mục hàng hóa hơn 200 loại, yêu cầu hàng mẫu trước thời điểm ký hợp đồng mà lại không công bố cụ thể loại hàng mẫu nào là đẩy nhà thầu vào thế bị động. Bên cạnh đó, việc cung cấp hàng mẫu theo kiểu phân tán tại từng địa điểm sử dụng khi chưa giao kết hợp đồng sẽ phát sinh nhiều chi phí cho nhà thầu”.

Chuyên đề