Lạm dụng khái niệm đặc thù gây hạn chế cạnh tranh

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Rất nhiều kiến nghị của nhà thầu xuất phát từ việc các chủ đầu tư/bên mời thầu lạm dụng khái niệm đặc thù. Do “đặc thù”, nhiều gói thầu có rất ít nhà thầu tham gia.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Báo Đấu thầu tiếp nhận đơn kiến nghị của Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp tập đoàn Quang Minh (địa chỉ tại quận Tân Bình, TP.HCM) về việc làm rõ hồ sơ mời thầu (HSMT) Gói thầu Dịch vụ bảo vệ năm 2021 của Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh (TP.HCM). Đây là gói thầu được tổ chức đấu thầu qua mạng. Ngày 20/11/2020, gói thầu đã hoàn thành mở thầu với sự tham gia của một nhà thầu là Công ty CP Dịch vụ bảo vệ Bản Việt với giá dự thầu bằng giá gói thầu.

Trước đó, theo phản ánh của Nhà thầu Quang Minh, HSMT quy định “Hợp đồng tương tự là hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo vệ cho bệnh viện hoặc cơ sở y tế” là điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Bên cạnh đó, về phần nhân sự chủ chốt, HSMT cũng yêu cầu “Tài liệu chứng minh kinh nghiệm trong công việc tương tự, bản chụp được chứng thực của cơ quan có thẩm quyền gồm: hợp đồng, biên bản nghiệm thu hoặc thanh lý hợp đồng, bản chụp quyết định bổ nhiệm nhân viên bảo vệ hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương chứng minh đã từng tham gia gói thầu cung cấp dịch vụ bảo vệ cho bệnh viện hoặc cơ sở y tế”.

Từ đó, nhà thầu kiến nghị sửa đổi nội dung này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo nhà thầu tham gia.

Ngày 17/11/2020, Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh có văn bản phúc đáp kiến nghị của Nhà thầu. Theo đó, Trung tâm cho rằng, căn cứ vào tình hình thực tế, hiện nay có rất nhiều công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ cho bệnh viện hoặc cơ sở y tế trên khắp các tỉnh thành trong cả nước. Việc đưa ra yêu cầu hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo vệ như HSMT đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu tham dự thầu và điều này không gây ra hạn chế sự tham gia của các nhà thầu. Bên cạnh đó, Trung tâm cho biết, đây không phải dịch vụ bảo vệ đơn thuần cho các công ty, đơn vị hành chính, sự nghiệp… mà cung cấp dịch vụ bảo vệ cho cơ sở y tế mang tính chất đặc thù và địa bàn phức tạp.

Ngày 26/11/2020, trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh cho biết, “rất băn khoăn” khi đưa tiêu chí nói trên vào HSMT. “Tuy nhiên, do dịch vụ bảo vệ thực hiện trong môi trường rất phức tạp, nhiều đối tượng nguy cơ cao nên đòi hỏi kinh nghiệm như vậy. Chủ đầu tư sẽ rút kinh nghiệm trong lần đấu thầu tới và không đưa yêu cầu này vào”, đại diện này chia sẻ.

Câu chuyện tương tự diễn ra trước đó không lâu tại Đại học Y dược TP.HCM cũng liên quan đến kiến nghị của nhà thầu về các tiêu chí tại một gói thầu tư vấn giám sát. HSMT gói thầu này yêu cầu nhà thầu phải có kinh nghiệm giám sát công trình dân dụng cấp III trở lên, được cơ quan quản lý nhà nước chứng nhận công trình xây dựng chất lượng cao. HSMT cũng lồng ghép nhiều tiêu chí như từng thi công công trình trường đại học, trên đại học, cao đẳng.

Trả lời Báo Đấu thầu, Chủ đầu tư cho rằng, đây là công trình trọng điểm của Trường, có yêu cầu cao về kỹ thuật, do cùng lúc phải thi công nhiều hạng mục công việc tại nhiều địa điểm khác nhau, đặc biệt là phần hầm, cải tạo. Đồng thời, thi công trong điều kiện các hoạt động giảng dạy và công tác của Trường phải đảm bảo. Do vậy, yêu cầu tiên quyết của Trường là phải lựa chọn được các nhà thầu có năng lực thực sự và đã từng thực hiện các công việc tương tự.

Tìm hiểu HSMT của nhiều gói thầu trong các ngành giáo dục, y tế, tòa án, kiểm sát… thời gian qua cho thấy hiện tượng này khá phổ biến. Trong phần yêu cầu hợp đồng tương tự, HSMT luôn bắt buộc nhà thầu phải từng có kinh nghiệm thi công, cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực cụ thể. “Do đặc thù của gói thầu” là cách trả lời phổ biến khi trao đổi với Báo Đấu thầu. Nhiều chuyên gia đấu thầu cho rằng, khái niệm đặc thù đang bị nhiều chủ đầu tư lạm dụng là tiền lệ xấu gây méo mó công tác đấu thầu.

Theo ông Nguyễn Đăng Quang, Trưởng phòng Đấu thầu thuộc Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc đánh giá kinh nghiệm của nhà thầu thông qua các hợp đồng tương tự không được phân biệt theo hướng “nhà thầu đã từng làm cho ai”. “Chúng ta đánh giá kinh nghiệm nhà thầu bằng những hợp đồng có cùng quy mô, tính chất, giá trị hay không, chứ không phân biệt là nguồn vốn nào, chủ đầu tư là ai”, ông Quang khẳng định.

Chuyên đề