Nhu cầu về vốn cho đầu tư và tiêu dùng của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam là rất lớn. Ảnh: THÀNH HOA |
Thực trạng này sẽ tạo ra rủi ro tiềm ẩn cho các doanh nghiệp cũng như hệ thống ngân hàng vì cả hai đều đang phải sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để đáp ứng cho các nhu cầu dài hạn. Khi xuất hiện rủi ro mang tính hệ thống như khủng hoảng kinh tế thì hệ thống tài chính của Việt Nam sẽ chịu tác động rất mạnh.
Nhận thức được rủi ro mang tính hệ thống này, trong những năm gần đây, Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) luôn có chủ trương kiểm soát tín dụng theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào các ngân hàng. Theo đó, hàng năm NHNN đều giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng cụ thể. Sự khác nhau về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ phụ thuộc vào chất lượng tín dụng của các ngân hàng tại thời điểm đó. Nhờ vậy mà tăng trưởng tín dụng đã có xu hướng giảm dần từ năm 2016 đến nay.
Trong năm 2018, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng chỉ gần 14%, thấp hơn nhiều so với mức 18% của năm 2017. Tuy nhiên, nếu so sánh với các nước trong khu vực như Thái Lan hay Indonesia, những nước có GDP lần lượt cao hơn 2 lần và 5 lần so với Việt Nam, thì mức tăng trưởng tín dụng 14% vẫn đang được xem là quá cao. Do vậy, NHNN sẽ tiếp tục có giải pháp để kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo hướng giảm dần trong các năm tới.
Trong năm 2018, nhiều nước trong khu vực và trên thế giới phải tăng lãi suất để đối phó với tình trạng lạm phát tăng cao cũng như sự mất giá của đồng nội tệ so với đô la Mỹ. Bản chất của việc này là ngân hàng trung ương các nước đã phải thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ. Indonesia đã tăng lãi suất điều hành (policy rate) 6 lần trong khi con số này của Philippines là 5 lần và của Thái Lan là 1 lần trong năm 2018.
Việt Nam được xem là một trong số rất ít nước không phải sử dụng công cụ lãi suất để điều hành trong năm 2018. Tuy nhiên, nhìn vào mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2018 so với các năm gần đây, nhiều người đặt câu hỏi: liệu NHNN có đang gián tiếp thắt chặt chính sách tiền tệ như các nước hay không khi mà cơ quan này đã chủ động cấp hạn mức tín dụng ở mức thấp cho các ngân hàng? Bởi lẽ, bản chất của cả hai công cụ này đều là hạn chế việc cung tiền ra nền kinh tế.
Nếu nhìn vào mức tăng trưởng GDP lên tới 7,08% trong năm 2018 thì có lẽ ít người tin rằng Việt Nam đang thực hiện chính sách thặt chặt tiền tệ. Nhưng, nếu so với mức lạm phát chỉ 2,98% (so với cùng kỳ năm trước) và tăng trưởng tín dụng 14% trong năm 2018 thì nhận định trên được xem là có cơ sở.
Như vậy, rất khó để đánh giá là Việt Nam đang trực tiếp hay gián tiếp thắt chặt tiền tệ vào lúc này.
Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là cung tiền ra nền kinh tế sẽ tiếp tục được kiểm soát chặt hơn trong thời gian tới nhằm tránh gây ra kỳ vọng lạm phát cao trong tương lai.
Các ngân hàng đã liên tục có động thái tăng lãi suất huy động kể từ tháng 10-2018 đến nay. Nguyên nhân chính là do lo ngại về việc thanh khoản của toàn hệ thống bị hạn chế hơn rất nhiều trong thời gian qua vì NHNN đã phải hút về khoảng 140.000 tỉ đồng thông qua việc bán ra gần 6 tỉ đô la Mỹ. Cũng có nhiều ý kiến quan ngại rằng lãi suất sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng trong năm 2019 do lo ngại về sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng huy động vốn. Tuy nhiên, theo quan điểm của người viết, rủi ro về việc lãi suất tăng cao trong năm 2019 đã giảm đi rất nhiều ở thời điểm hiện tại.
Có ba nguyên nhân hỗ trợ cho nhận định trên. Thứ nhất, NHNN tiếp tục hạn chế tăng trưởng tín dụng theo định hướng chỉ duy trì mức tăng khoảng 14% cho cả hệ thống trong năm 2019. Thứ hai, rủi ro lạm phát tăng cao cũng đã giảm đi rất nhiều so với các dự báo được đưa ra vào cuối năm 2018. Nguyên nhân chính là giá dầu mỏ toàn cầu được dự báo sẽ chỉ duy trì quanh mức 60-70 đô la Mỹ/thùng do nhu cầu ở mức thấp. Do vậy, lạm phát của Việt Nam trong năm 2019 có lẽ sẽ dao động quanh mức 3,3-3,9% như định hướng điều hành chỉ số giá tiêu dùng năm 2019 của Chính phủ trong cuộc họp chiều 17-1-2019. Thứ ba, NHNN đã mua được hơn 4 tỉ đô la Mỹ trong tháng 1-2019, đồng nghĩa với việc sẽ có khoảng gần 93.000 tỉ đồng được bơm vào hệ thống ngân hàng.
Như vậy, cung tiền tăng nhưng việc giải ngân ra nền kinh tế sẽ tiếp tục bị hạn chế cũng như lạm phát được kiểm soát ở mức thấp sẽ khiến cho lãi suất huy động khó tăng cao như kỳ vọng trước đó.