Bạc Liêu Tower được chuyển nhượng với giá 198 tỷ đồng trong khi giá trị thẩm định là 239 tỷ đồng. Ảnh: Minh Tuấn st
Vấn đề đặt ra là, trong khi đơn vị thẩm định giá đưa ra giá 239 tỷ đồng thì giá chuyển nhượng lại chỉ là 198 tỷ đồng.
Dầu khí đi làm bất động sản
Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, ngày 8/1/2010, PVN đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với UBND tỉnh Bạc Liêu và Tập đoàn đã giao cho các đơn vị thành viên triển khai nghiên cứu đầu tư xây dựng Tổ hợp thương mại, khách sạn và cao ốc văn phòng.
PV Gas là đơn vị đầu tiên tham gia dự án nêu trên, sau đó chuyển lại cho PVC-Mekong. Sau khi tiếp nhận lại Dự án Bạc Liêu Tower từ PV Gas, PVC-Mekong đã kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn thực hiện dự án, tuy nhiên không có nhà đầu tư tham gia. Trước những khó khăn trên, PVC-Mekong đã xây dựng phương án tăng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng để có nguồn lực tài chính triển khai dự án này. Ngày 26/4/2011, ĐHĐCĐ PVC-Mekong đã thông qua Nghị quyết số 01/NQ-ĐTDKCM-ĐHĐCĐ về việc tăng thêm 400 tỷ đồng vốn điều lệ, nhưng đến tháng 2/2012, các cổ đông góp vốn chỉ đạt 180/400 tỷ đồng.
Tăng vốn điều lệ không thành công, trong khi các nguồn vốn tự có đã được PVC-Mekong đầu tư toàn bộ vào Bạc Liêu Tower khiến PVC-Mekong thiếu vốn lưu động và phải thế chấp tài sản là Tòa nhà Bạc Liêu Tower tại Oceanbank để vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và thực hiện dự án. Tính đến thời điểm hiện tại, PVC-Mekong còn nợ gốc vay tại Oceanbank là 119,5 tỷ đồng và chi phí lãi vay tính đến 31/12/2016 là 115 tỷ đồng (bao gồm lãi, phạt chưa thanh toán là 47 tỷ đồng), các chi phí vay này làm cho PVC-Mekong mất cân đối về tài chính.
Dự án Bạc Liêu Tower được hoàn thành ngày 12/12/2011 với quy mô 18 tầng, trong đó đã hoàn thiện từ tầng 1 đến tầng 8 và tầng 17, các tầng còn lại là xây thô, chưa hoàn thiện.
Theo kết quả kiểm toán của Công ty TNHH Kiểm toán VACO, giá trị kiểm toán quyết toán hoàn thành Dự án Bạc Liêu Tower là 239 tỷ đồng và đã được phê duyệt tại Quyết định số 03/QĐ-ĐTDK-HĐQT ngày 25/01/2013 của HĐQT PVC-Mekong.
Giao dịch lòng vòng
Để tháo gỡ khó khăn, PVC-Mekong tiếp tục làm việc với PV Gas và xin chủ trương của Tập đoàn về việc giao cho PV Gas tiếp nhận lại Dự án. Trên cơ sở đề xuất của PV Gas (Văn bản số 493/KVN-HĐQT ngày 24/3/2015) và PVC (Văn bản số 188/XLDK-HĐQT ngày 23/3/2015), Tập đoàn có Văn bản số 2430/DKVN-ĐTPT ngày 14/4/2015 đồng ý cho PV Gas triển khai thực hiện phương án mua lại Tòa nhà Bạc Liêu Tower từ PVC-Mekong theo giá thẩm định giá trị tài sản được xác định bởi đơn vị tư vấn độc lập và làm việc với UBND tỉnh Bạc Liêu, PVC/PVC-Mekong thực hiện chuyển nhượng Tòa nhà Bạc Liêu Tower theo thủ tục hiện hành.
Ngày 21/9/2016, UBND tỉnh Bạc Liêu và Tập đoàn đã thống nhất phương án chuyển nhượng tòa nhà với giá 198 tỷ đồng (đã bao gồm VAT). Theo đó, PV Gas thực hiện việc mua tòa nhà từ PVC-Mekong sau đó sẽ chuyển nhượng cho UBND tỉnh Bạc Liêu. UBND tỉnh Bạc Liêu sẽ trả chậm trong vòng 10 năm cho PV Gas, trong thời gian này UBND tỉnh Bạc Liêu không phải trả lãi trả chậm.
Vấn đề đặt ra là, vì sao PVC-Mekong không bán trực tiếp cho UBND tỉnh Bạc Liêu mà lại bán cho PV Gas sau đó DN này bán lại cho UBND tỉnh Bạc Liêu và tại sao giá bán lại thấp hơn giá thẩm định giá đưa ra. Phải chăng PV Gas đã gánh lỗ thay cho PVC-Mekong?
Trao đổi với Báo Đấu thầu về việc này, ông Nguyễn Hùng Dũng, Phó Tổng giám đốc PVN cho biết, do UBND tỉnh Bạc Liêu không thanh toán được một lần trong khi PVC-Mekong đang rất cần tiền nên PVC-Mekong mới bán cho PV Gas trước khi Dự án được chuyển về UBND tỉnh Bạc Liêu. Về giá chuyển nhượng Tòa nhà, ông Dũng không có ý kiến bình luận.
Được biết, PVC-Mekong đã từng tiến hành thuê đơn vị bán đấu giá (Công ty TNHH Dịch vụ đấu giá và tư vấn Miền Nam - SASC) tổ chức bán đấu giá công khai Tòa nhà Bạc Liêu Tower. Qua 6 đợt công bố bán đấu giá rộng rãi và điều chỉnh giá khởi điểm từ 239 tỷ đồng xuống còn gần 202 tỷ đồng nhưng vẫn không có khách mua.