IMF cảnh báo về giá đắt của căng thẳng thương mại. Ảnh minh họa: TTXVN |
Trong báo cáo chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), IMF đánh giá các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc, và Khu vực đồng tiền chung châu Âu trên thực tế đã bắt đầu tăng trưởng chậm lại.
Cùng với đó, kịch bản Anh rời Liên minh châu Âu (EU) - Brexit- mà không có thỏa thuận vẫn đang là yếu tố làm lung lay niềm tin thị trường. Báo cáo lưu ý các nguy cơ thương mại và nguy cơ từ tiến trình Brexit vẫn hiện hữu rõ nét và chính những bất ổn này sẽ khiến tình hình tín dụng càng bị siết chặt và gây thêm khó khăn cho các công ty.
IMF cũng khuyến cáo các mức thuế mà Mỹ đe dọa áp dụng đối với ôtô nhập khẩu từ tất cả các quốc gia (ngoại trừ Canada và Mexico) nếu có hiệu lực có thể "thổi bay" 0,75% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu trong ngắn hạn. Các hoạt động đầu tư sẽ tiếp tục thu hẹp nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump kiên quyết hiện thực hóa lời đe dọa này và kích động những quốc gia khác có biện pháp đáp trả nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ.
Tháng trước, IMF từng cảnh báo về sự nguy hiểm của tình trạng gia tăng căng thẳng thương mại, đặc biệt giữa hai nền kinh tế hàng đầu là Mỹ và Trung Quốc. Nhưng Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde vừa mới đăng tải bài viết chỉ ra những "cơn gió độc" này thậm chí còn khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm hơn nhiều so với những ước tính trước đó.
Cảnh báo "kinh tế toàn cầu đang ở điểm tiếp xúc quan trọng", lãnh đạo IMF cho rằng thế giới vốn đã có một mạch tăng trưởng ổn định nhờ những tiêu chuẩn truyền thống nhưng tại thời điểm này, tất cả đều đang phải đối mặt với một thời kỳ không thiếu những nguy cơ nghiêm trọng đang hình thành.
Bà Lagarde một lần nữa nhấn mạnh việc gia tăng các rào cản thương mại là hành động "tự kết liễu" với tất cả những bên liên quan. Vì vậy, mọi quốc gia đều phải tránh xa các rào cản này song song với việc xóa bỏ những biện pháp thuế quan mới áp đặt.
Lãnh đạo IMF kêu gọi các nước cùng hàng động để cải thiện hệ thống thương mại toàn cầu. Bên cạnh việc tháo gỡ các vấn đề thương mại thì việc làm mới các quan hệ hợp tác đa phương cũng là điều cần thiết để giảm thiểu bất công, tạo điều kiện khuyến khích những tiến bộ trong lĩnh vực quản lý tài chính, hợp tác ủng hộ các quốc gia thu nhập thấp và cùng đối phó các nguy cơ toàn cầu khác.
Bà đặc biệt lưu ý việc triển khai các chính sách hợp lý ở cả trong nước và quốc tế và nhấn mạnh sự phối hợp hành động giữa các quốc gia là "bí kíp" chính để giành chiến thắng. Theo Tổng Giám đốc Lagarde, tự do hóa thương mại trong các lĩnh vực dịch vụ có thể đóng góp 0,5%, tương đương với 350 tỷ USD, vào tăng trưởng GDP của các nước G20.
Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Trump, người khởi xướng các biện pháp thuế quan để buộc các đối tác nhượng bộ trước yêu cầu của chính quyền Mỹ, sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Argentina.
Theo một quan chức Nhà Trắng, ông Trump nhận thấy "khả năng khá rõ ràng" về một thỏa thuận giúp hạ nhiệt căng thẳng thương mại song phương. Dưới chiến lược của Tổng thống Trump, một nửa hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ đã phải chịu thuế cao kéo theo các biện pháp đáp trả từ Bắc Kinh.
Tình hình trở nên căng thẳng theo từng đòn "ăn miếng trả miếng" của hai bên cùng với đó là một thị trường luôn bất ổn và trồi sụt liên tục, đe dọa môi trường tăng trưởng toàn cầu. Washington cũng từng đe dọa áp thuế nhập khẩu ôtô như một phần trong chiến lược thương mại mang tính khiêu khích với mục đích bảo toàn việc làm cho người dân Mỹ./.