Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cùng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo nhiều bộ, ngành Trung ương, đại diện các doanh nghiệp (DN), hiệp hội DN cơ khí trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực cơ khí chế tạo.
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, đây là diễn đàn có ý nghĩa quan trọng để thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển ngành cơ khí; đánh giá, nhận diện những tồn tại, hạn chế của ngành cơ khí Việt Nam và các nguyên nhân của các hạn chế đó; phân tích rõ tiềm năng, lợi thế, thách thức của ngành cơ khí chế tạo Việt Nam để trên cơ sở đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam trong thời gian tới.
Ngành công nghiệp nền tảng
Ngành cơ khí cung cấp máy móc, thiết bị cho mọi lĩnh vực, từ sản xuất đến tiêu dùng, với khoảng 1/3 sản lượng cơ khí là sản phẩm trung gian được phân phối cho các ngành kinh tế khác. Công nghiệp cơ khí chế tạo là động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp và kinh tế khác phát triển, qua đó trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho hàng triệu lao động, góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao năng suất lao động quốc gia.
Ngoài ra, việc phát triển ngành cơ khí tạo ra sự tự chủ trong các ngành công nghiệp quốc phòng và an ninh, góp phần quan trọng trong việc giữ vững chủ quyền quốc gia, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Tại Việt Nam, cùng với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, Chính phủ đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ và ưu đãi để phát triển ngành cơ khí.
Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị cũng đã ban hành các kết luận, nghị quyết về định hướng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia, trong đó trọng điểm là ngành cơ khí Việt Nam.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Từ 2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam. Luật Đầu tư năm 2005, 2014 xác định cơ khí chế tạo là một trong những lĩnh vực ưu đãi đầu tư.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cơ chế ưu đãi, khuyến khích phát triển ngành cơ khí chế tạo. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và Danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm, Danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm. Đồng thời, có nhiều chính sách khuyến khích phát triển các ngành cơ khí chiến lược như sản xuất, lắp ráp ô tô; sản xuất xe máy; cơ khí phục vụ nông nghiệp; cơ khí cho lĩnh vực năng lượng…; khuyến khích các ngành công nghiệp hỗ trợ cho cơ khí.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thời gian qua, ngành cơ khí trong nước đã có bước phát triển rất quan trọng.
Số lượng DN cơ khí đang hoạt động và có kết quả kinh doanh chiếm gần 30% tổng số DN công nghiệp chế biến, chế tạo; tạo việc làm cho gần 16% tổng số lao động trong các DN ngành chế biến, chế tạo.
Quy mô, năng lực các DN cơ khí được nâng cao ở hầu hết các ngành cơ khí, từ chế tạo thiết bị toàn bộ, sản xuất, lắp ráp ô tô, sản xuất xe máy, chế tạo thiết bị thủy công, cho đến chế tạo thiết bị cho nhà máy nhiệt điện, thiết bị cho ngành xi măng và vật liệu xây dựng, thiết bị y tế, thiết bị điện, cơ khí nông nghiệp.
Đã hình thành hệ thống các nhà máy cơ khí với đủ các quy mô lớn nhỏ. Tại một số địa phương, vùng kinh tế đã hình thành mô hình cụm ngành về cơ khí chế tạo (như Khu phức hợp cơ khí Chu Lai-Quảng Nam...). Ngành cơ khí cũng đã hình thành một số DN có tiềm năng phát triển ngang tầm khu vực như Tổng công ty TNHH MTV Cơ khí Quang Trung, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam Lilama, Tổng công ty Máy động lực và nông nghiệp Việt Nam…
Một số sản phẩm cơ khí được sản xuất đã đạt chất lượng tốt, có thể tương đương với chất lượng sản phẩm của các quốc gia trong khu vực. Hiện nay, cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở 3 phân ngành gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy, cơ khí gia dụng và dụng cụ, ô tô và phụ tùng ô tô. Số liệu thống kê cho thấy, 3 phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cơ khí cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, cũng phải nhìn nhận một cách thực tế rằng ngành cơ khí nước ta đang có dấu hiệu phát triển chậm và còn nhiều hạn chế. Năng lực của ngành cơ khí nước ta còn thấp. Hiện tại, mới chỉ đáp ứng 32% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước. Còn thiếu nhiều thương hiệu sản phẩm cơ khí trong nước.
Chất lượng sản phẩm cơ khí của DN nội nói chung còn thấp, giá thành sản xuất cao, thiếu sức cạnh tranh. Còn thiếu nhiều DN cơ khí lớn, mang tầm cỡ quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt ngành cơ khí. Trình độ cơ khí chế tạo đặc biệt là cơ khí chính xác (là trụ cột của sản xuất công nghiệp) còn lạc hậu so với nhiều nước.
Xác định rõ thị trường
Nêu định hướng thảo luận, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh yêu cầu phải phát triển được một nền công nghiệp cơ khí từng bước hiện đại, làm nền tảng cho các ngành sản xuất công nghiệp-dịch vụ khác.
“Đồng thời, ngành cơ khí Việt Nam phải phát triển với các sản phẩm có chất lượng, chi phí sản xuất thấp, sức cạnh tranh cao để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu”, Phó Thủ tướng nói.
Để thực hiện mục tiêu này, đòi hỏi phải có sự nỗ lực của tất cả các DN, hiệp hội, các chuyên gia, nhà khoa học.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm các gian trung bày sản phẩm cơ khí tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
“Đặc biệt, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn của Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi hơn, khuyến khích hơn đối với ngành cơ khí nhằm tạo các cơ chế, chính sách ưu đãi hơn, khuyến khích hơn đối với ngành cơ khí nhằm tạo môi trường thuận lợi để huy động nguồn lực phát triển ngành cơ khí Việt Nam trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu yêu cầu.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề nghị các vị đại biểu tập trung thảo luận thẳng thắn, chia sẻ các quan diểm cụ thể để phát triển ngành cơ khí Việt Nam. Trước hết, bổ sung những đánh giá thực trạng, chỉ rõ những cơ hội của ngành cơ khí Việt Nam hiện nay.
“Cần có sự phân tích khoa học, chính xác về nhu cầu thị trường, chỉ rõ những khoảng trống cho ngành cơ khí phát triển, những lĩnh vực mà ngành cơ khí Việt Nam có thể cạnh tranh được”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề.
Đồng thời, các đại biểu dự hội nghị cũng cần chỉ rõ những cơ hội và thách thức trong thời gian tới đối với ngành cơ khí Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Từ đó, đề xuất định hướng, giải pháp cụ thể (của Nhà nước, hiệp hội, DN) nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam thời gian tới.
“Các giải pháp cần đặc biệt chú trọng tính hiệu quả, khả thi, phù hợp với điều kiện tình hình thực tế”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Hội nghị sẽ diễn ra trong buổi sáng với các báo cáo ngắn gọn, dành nhiều thời gian để nghe các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện cộng đồng DN, hiệp hội ngành nghề phát biểu ý kiến, chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm thực tiễn.
Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu, thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ kết luận Hội nghị.
Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến và nội dung kết luận quan trọng của Thủ tướng.