Huy động các nguồn lực đầu tư 5.000 km đường cao tốc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo tính toán của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), để đạt được mục tiêu đến năm 2030 cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc thì cần khoảng 844.263 tỷ đồng vốn đầu tư. Để có đủ khoản vốn đầu tư “khổng lồ” này, bên cạnh nguồn lực của Nhà nước thì cần những giải pháp linh hoạt, hấp dẫn để huy động nguồn lực đầu tư lớn từ khu vực tư nhân.
Bộ Giao thông vận tải cho biết, nước ta hiện có 1.163 km đường cao tốc, đang đầu tư 916 km cao tốc. Ảnh: Lê Tiên
Bộ Giao thông vận tải cho biết, nước ta hiện có 1.163 km đường cao tốc, đang đầu tư 916 km cao tốc. Ảnh: Lê Tiên

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra mục tiêu là phấn đấu đến năm 2030 cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc. Trong đó, ưu tiên đầu tư đưa vào khai thác thông tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tuyến đường bộ cao tốc trên các hành lang vận tải chủ yếu, các tuyến đường bộ cao tốc cửa ngõ kết nối với Thủ đô Hà Nội, TP.HCM và các đô thị lớn, các tuyến cao tốc vành đai đô thị; hệ thống đường bộ đồng bộ về tiêu chuẩn kỹ thuật, kết nối thuận lợi với hệ thống đường bộ ASEAN, Tiểu vùng Mê Kông mở rộng và tuyến xuyên Á.

Bộ GTVT cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, đã đưa vào khai thác 1.163 km đường cao tốc, đang đầu tư 916 km. Cụ thể, trên trục dọc Bắc - Nam, đang tập trung đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông; đã đưa vào khai thác 363 km; đang đầu tư 786 km cao tốc. Tuyến cao tốc phía Tây (đường Hồ Chí Minh) mới đưa vào khai thác một số đoạn với quy mô phân kỳ 2 làn xe, chưa đạt tiêu chuẩn đường bộ cao tốc. Tại khu vực phía Bắc đã đưa vào khai thác 747 km đường cao tốc; đang đầu tư 130 km đường cao tốc. Tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên vẫn chưa đầu tư; tại khu vực phía Nam đã đưa vào khai thác 49 km đường cao tốc. Phía đường vành đai đô thị (Hà Nội và TP.HCM) đã đưa vào khai thác 33 km đường cao tốc.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một chuyên gia về cầu đường cho biết, việc đầu tư các dự án đường bộ cao tốc thời gian qua chủ yếu là theo hình thức đầu tư công, trông chờ vào ngân sách trung ương. Nhiều địa phương có điều kiện, tiềm lực nhưng chưa chủ động bố trí nguồn lực tự có để phối hợp triển khai đầu tư. Hơn nữa, các bộ, ngành vẫn chưa thực hiện triệt để việc phân cấp, ủy quyền cho địa phương trong việc triển khai đầu tư hệ thống đường bộ cao tốc nên chưa phát huy được lợi thế, nguồn lực (đất đai, nguồn cung cấp vật liệu xây dựng…).

Bên cạnh đó, trình tự, thủ tục trong công tác chuẩn bị và thực hiện dự án đường cao tốc còn rất phức tạp, kéo dài. Việc lựa chọn quy mô đầu tư một số tuyến đường bộ cao tốc chưa hợp lý. Một số dự án do thiếu nguồn lực nên phân kỳ đầu tư với quy mô 2 làn xe, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn khai thác đường bộ cao tốc…

Theo tính toán của Bộ GTVT, đến năm 2025 cần đưa vào khai thác khoảng 3.000 km. Dự kiến tổng nhu cầu nguồn vốn để thực hiện các dự án cao tốc trong kỳ trung hạn 2021 - 2025 khoảng 449.556 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước khoảng 255.957 tỷ đồng, huy động ngoài ngân sách nhà nước khoảng 193.599 tỷ đồng. Đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước, hiện mới dự kiến cân đối được khoảng 176.000 tỷ đồng (ngân sách địa phương khoảng 37.000 tỷ đồng, ngân sách trung ương khoảng 139.000 tỷ đồng). Như vậy, cần cân đối bổ sung ngân sách nhà nước khoảng 80.000 tỷ đồng để đảm bảo nguồn lực hoàn thành mục tiêu đã đặt ra.

Để đạt mục tiêu có khoảng 5.000 km cao tốc năm 2030, ngoài việc hoàn thành 936 km khởi công trong giai đoạn 2021 - 2025 thì sau năm 2025, cần đầu tư tối thiểu 869 km đường bộ cao tốc. Dự kiến tổng nhu cầu vốn để thực hiện các dự án đường bộ cao tốc trong kỳ trung hạn 2026 - 2030 khoảng 394.707 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước khoảng 208.836 tỷ đồng, huy động ngoài ngân sách khoảng 185.871 tỷ đồng.

Như vậy, để hoàn thành được mục tiêu vào năm 2030, tổng nguồn vốn huy động ngoài ngân sách phải đạt 379.470 tỷ đồng, một con số rất lớn. Để làm được điều này, cần có những giải pháp linh hoạt, sáng tạo, hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư tư nhân như: giao các địa phương tổ chức triển khai đầu tư dự án đường bộ cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP) với nguyên tắc: công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư được triển khai thực hiện trước bằng nguồn ngân sách địa phương, kết hợp sử dụng vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương… nhằm bảo đảm tính khả thi.

Đồng thời, cần rà soát bất cập, khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến quá trình quản lý, đầu tư xây dựng dự án đường cao tốc; nghiên cứu, hình thành gói tín dụng ưu đãi cho dự án đường cao tốc; bổ sung các dự án đường bộ cao tốc vào đối tượng được vay vốn tín dụng ưu đãi…

Chuyên đề