Thủ tướng ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam dự Hội nghị cấp cao CLV 9 Ảnh: VGP |
Chiều ngày 23/11, HNCC CLV 9 đã diễn ra tại thành phố Siem Reap, Campuchia. Tham dự Hội nghị có Thủ tướng ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam. Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu.
Nhiều hoạt động hợp tác
Hội nghị đã rà soát tình hình hợp tác CLV trong hai năm qua kể từ HNCC CLV 8 tại Vientiane. Ba nhà Lãnh đạo đã đánh giá cao những kết quả đạt được trong các lĩnh vực then chốt như an ninh, quốc phòng, thương mại-đầu tư, nông nghiệp, giao thông vận tải, du lịch. Nhiều hoạt động hợp tác giữa ba nước đã được triển khai trong giai đoạn vừa qua như: Lễ thông xe ba bên thực hiện Biên bản ghi nhớ giữa ba nước CLV về Vận tải đường bộ vào tháng 9/2015 tại cặp cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (Bình Phước, Việt Nam) và Trapeng Sre (Kratie, Campuchia); chuỗi sự kiện Diễn đàn Thanh niên, Hội chợ xúc tiến Thương mại và du lịch, Hội nghị xúc tiến Thương mại, đầu tư và du lịch khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (TGPT CLV) tổ chức vào tháng 12/2015 tại tỉnh Champasack, Lào. Các hoạt động này đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm hòa bình và ổn định tại khu vực.
Tại hội nghị, các nhà Lãnh đạo đã trao đổi về tình hình và triển vọng của Khu vực TGPT CLV và vai trò của hợp tác Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV) đối với sự phát triển của mỗi nước. Các nhà Lãnh đạo khẳng định cam kết thúc đẩy hợp tác CLV trên cơ sở quan hệ hữu nghị truyền thống, láng giềng tốt đẹp, cùng có lợi, đoàn kết và hiểu biết lẫn nhau. Các nhà Lãnh đạo cũng khẳng định quyết tâm hợp tác hướng tới phát triển bền vững và bao trùm tại khu vực CLV, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và phối hợp cùng các nước ASEAN khác hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Thủ tướng 3 nước Campuchia, Lào, Việt Nam ký kết Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao CLV 9. Ảnh: VGP
Thông qua danh sách 15 dự án ưu tiên
Về định hướng hợp tác trong thời gian tới, các nhà Lãnh đạo nhất trí tăng cường kết nối giữa ba nền kinh tế cả về hạ tầng cứng, hạ tầng mềm và giao lưu nhân dân. Hội nghị ghi nhận những kết quả đạt được trong việc xây dựng Kế hoạch hành động Kết nối ba nền kinh tế Campuchia-Lào-Việt Nam đến năm 2030 và giao Ủy ban điều phối chung tiếp tục hoàn thiện tài liệu quan trọng này để sớm đưa vào thực hiện. Nhằm phát huy tiềm năng của 13 tỉnh biên giới Campuchia-Lào-Việt Nam, Hội nghị nhất trí giao Bộ Nông nghiệp ba nước phối hợp xây dựng Kế hoạch phát triền ngành công nghiệp cao su và giao Ủy ban điều phối chung xây dựng Quy hoạch phát triển ngành du lịch khu vực TGPT CLV.
Các nhà Lãnh đạo cũng khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với việc bảo vệ môi trường, sử dụng và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó có tài nguyên nước và rừng; nhất trí triển khai các chương trình hợp tác về khí tượng thủy văn, thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước. Để bảo đảm an ninh và an toàn cho doanh nghiệp và người dân, trong thời gian tới, hợp tác rà phá bom mìn và đấu tranh phòng chống buôn bán ma tuý, buôn người, khủng bố, các loại tội phạm xuyên quốc gia sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Các nhà Lãnh đạo cũng kêu gọi sự tham gia tích cực hơn của cộng đồng doanh nghiệp và các đối tác phát triển vào các dự án hợp tác CLV; thống nhất tăng cường phối hợp với các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mekong.
Kết thúc Hội nghị, Thủ tướng ba nước Campuchia, Lào, Việt Nam đã ký kết Tuyên bố chung của HNCC CLV 9, thông qua danh sách 15 dự án ưu tiên của khu vực TGPT CLV để phối hợp vận động đầu tư từ các đối tác phát triển và chứng kiến Lễ ký “Hiệp định xúc tiến và tạo thuận lợi thương mại trong khu vực TGPT CLV”. Các nhà Lãnh đạo nhất trí tổ chức HNCC CLV 10 tại Việt Nam vào năm 2018.
Ảnh: VGP
Xây dựng cầu truyền hình giữa ba Thủ tướng
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tầm quan trọng của hợp tác CLV trong xây dựng và triển khai các chính sách phát triển kinh tế, đồng thời bảo đảm an ninh, ổn định xã hội và sự ấm no, hạnh phúc của người dân ba nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, cùng với sự hình thành của Cộng đồng kinh tế ASEAN, quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện Campuchia-Lào-Việt Nam ngày càng gắn kết chặt chẽ, hiệu quả hơn. Ba nước cùng nhau vượt thách thức chung của khu vực, nắm bắt cơ hội phát triển mới và cùng chia sẻ lợi ích.
Trên tinh thần đó, để hợp tác CLV có thể phát huy hết thế mạnh, đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng của mỗi nước và cả khu vực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ba nước cần tập trung: (i) Thúc đẩy kết nối giữa ba nền kinh tế để nâng cao năng lực cạnh tranh, sức hút đầu tư và mở rộng quy mô thị trường; (ii) Xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý ổn định, thông thoáng và tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, dịch vụ và di chuyển của người lao động qua biên giới; (iii) Tạo thuận lợi thu hút đầu tư, kinh doanh vào TGPT CLV; (iv) Bảo đảm an ninh và chính trị ổn định; (v) Bảo vệ môi trường sinh thái; kêu gọi ba nước phối hợp chặt chẽ trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững 2030, đồng thời chung tay tìm kiếm và xây dựng giải pháp lâu dài cho quản lý và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nguồn nước chung; (vi) Thu hút nguồn lực từ các đối tác phát triển và các tổ chức tài chính quốc tế.
Thủ tướng ba nước Campuchia, Lào, Việt Nam chứng kiến Lễ ký “Hiệp định xúc tiến và tạo thuận lợi thương mại trong khu vực TGPT CLV”. Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh 7 đề xuất của Việt Nam để ba nước phối hợp nhanh chóng triển khai trong thời gian tới gồm: (i) Xây dựng cơ chế để phương tiện (đăng ký tại) các tỉnh thuộc Khu vực TGPT CLV được đi lại thuận tiện trong Khu vực không hạn chế về số lượng; (ii) Thực hiện mô hình kiểm tra “Một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Việt Nam và Bà Vẹt, Campuchia trong năm 2017; (iii) Thiết lập cơ chế đối thoại định kỳ giữa đại diện các cơ quan của Chính phủ Campuchia, Lào, Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào ba nước để kịp thời nắm bắt và giải quyết những vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp; (iv) Việt Nam sẽ tăng số lượng học bổng đào tạo dạy nghề cho hai nước Campuchia và Lào và huấn luyện cho tham gia các cuộc thi tay nghề ASEAN, nâng mức học bổng để tăng chất lượng cuộc sống của sinh viên hai nước Campuchia và Lào; (v) Kêu gọi Lào, Campuchia tham gia Công ước về Luật sử dụng dòng nước quốc tế cho mục đích phi giao thông thủy đồng thời cùng Việt Nam nghiên cứu tham gia Công ước về bảo vệ và sử dụng các dòng nước xuyên biên giới và hồ quốc tế; (vi) Chính phủ ba nước phối hợp xây dựng chương trình vận động ODA và xây dựng chương trình chung xúc tiến đầu tư và du lịch của ba nước; (vii) Công ty Viễn thông Viettel đầu tư hiện đại hóa mạng viễn thông ba nước bằng công nghệ 4G, hỗ trợ xây dựng Chính phủ điện tử cho ba nước và áp dụng mức cước gọi giữa thuê bao của Viettel tại ba nước tương đương với mức cước trong nước.
Đáp lại đề xuất của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Campuchia Hunsen cũng đề nghị Viettel hỗ trợ xây dựng cầu truyền hình giữa ba Thủ tướng và giữa các cơ quan ba nước để tăng cường trao đổi và tiết kiệm ngân sách.