Bản tin thời sự sáng 28/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Chính phủ đề xuất giảm tiếp thuế VAT 6 tháng cuối năm; khởi công tuyến đường nối Long An - TP.HCM; khách Việt xếp hàng 4 tiếng ở cửa khẩu để du lịch Trung Quốc; đường sắt mở đoàn tàu chất lượng cao Sài Gòn - Đà Nẵng…

Chính phủ đề xuất giảm tiếp thuế VAT 6 tháng cuối năm

Chính phủ đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) trong 6 tháng cuối năm, kéo dài 6 tháng so với quyết định cuối năm ngoái của Quốc hội.

Chính phủ đánh giá, việc áp dụng giảm thuế VAT trong 6 tháng cuối năm sẽ làm hụt thu ngân sách 24.000 tỷ đồng

Chính phủ đánh giá, việc áp dụng giảm thuế VAT trong 6 tháng cuối năm sẽ làm hụt thu ngân sách 24.000 tỷ đồng

Nội dung trên được nêu tại tờ trình Chính phủ gửi Quốc hội về kết quả thực hiện giảm 2% thuế VAT. Chính phủ cho biết, cơ quan quản lý cần nghiên cứu và đề xuất một số giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong năm nay.

Trong đó, tiếp tục xem xét giảm thuế VAT 2%, gia hạn một số loại thuế, giảm mức thu các khoản phí, lệ phí và giảm tiền thuê đất như đã áp dụng trong năm ngoái là cần thiết, để tiếp tục gỡ khó, hỗ trợ doanh nghiệp.

Do đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét cho tiếp tục giảm 2% thuế VAT với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10%. Thời gian áp dụng từ 1/7 đến hết 31/12, kéo dài 6 tháng so với quyết định chốt cuối năm ngoái của Quốc hội.

Chính phủ đánh giá, việc áp dụng giảm thuế VAT trong 6 tháng cuối năm sẽ làm hụt thu ngân sách 24.000 tỷ đồng (tương đương 4.000 tỷ đồng mỗi tháng).

Theo báo cáo của Chính phủ, 6 tháng đầu năm, việc giảm thuế này khiến thu ngân sách hụt 23.488 tỷ đồng. Như vậy, tổng nguồn thu giảm trong cả năm dự kiến 47.488 tỷ đồng.

Trước đó, giai đoạn năm 2020 - 2023, các giải pháp tài chính để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh lên tới 700.000 tỷ đồng. Từ đầu năm nay, con số thực hiện khoảng 68.000 tỷ đồng.

Khởi công tuyến đường nối Long An - TP.HCM

Đường Lương Hòa - Bình Chánh nối Bến Lức (Long An) với Bình Chánh (TP.HCM) dài 4,5 km, tổng vốn đầu tư 1.250 tỷ đồng, khởi công sáng 27/4.

Phối cảnh đường Lương Hòa - Bình Chánh khi hoàn thành

Phối cảnh đường Lương Hòa - Bình Chánh khi hoàn thành

Đường Lương Hòa - Bình Chánh là một phần của tuyến Mỹ Quý Tây - Lương Hòa - Bình Chánh, một trong 6 tuyến đường quan trọng của tỉnh Long An trong định hướng phát triển đến năm 2030. Đoạn thành phần qua tỉnh Long An từ sông Vàm Cỏ Đông đến TP.HCM có tổng chiều dài 6,2 km. Trong đó, dự án thành phần quan trọng nhất được khởi công sáng nay dài 4,5 km, lộ giới 60 m từ Đường tỉnh 830 đến ranh giới huyện Bình Chánh do hai doanh nghiệp là Prodezi Long An và Tandoland làm chủ đầu tư. Tuyến đường có tổng vốn đầu tư là 1.250 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành cuối năm sau.

Theo quy hoạch, tuyến đường này giữ vai trò quan trọng trong giao thương, tạo động lực cho vùng đô thị, công nghiệp. Với vị trí kết nối trực tiếp đô thị lớn nhất cả nước, đường Lương Hòa - Bình Chánh khi hoàn thành đấu nối sẽ rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển từ Bến Lức tới các khu vực trung tâm của TP.HCM và các tuyến giao thông trọng điểm quốc gia như Vành đai 3 TP.HCM.

Hiện tại, dọc đường Lương Hòa - Bình Chánh, nhiều dự án khu đô thị và khu công nghiệp được triển khai như Dự án Khu đô thị LA Home, Mai Bá Hương; Khu công nghiệp Prodezi, Tandoland... Tổng quy mô quần thể khu đô thị - công nghiệp - dịch vụ này lên đến gần 1.000 ha. Trong đó, Dự án Khu đô thị LA Home quy mô 100 ha của chủ đầu tư Prodezi Long An đang được khẩn trương thi công nhằm sớm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, đưa Dự án vào khai thác.

Khách Việt xếp hàng 4 tiếng ở cửa khẩu để du lịch Trung Quốc

Hàng nghìn người xếp hàng từ tờ mờ sáng tại cửa khẩu Lào Cai để qua du lịch Trung Quốc, nhưng vẫn phải chờ khoảng 4 tiếng, gấp đôi ngày thường.

Đoàn khách xếp hàng ở khu vực cửa khẩu quốc tế Lào Cai sáng 27/4

Đoàn khách xếp hàng ở khu vực cửa khẩu quốc tế Lào Cai sáng 27/4

Hầu hết các đoàn khởi hành đi tour Trung Quốc đường bộ ngày 27/4 phải tập trung ở cửa khẩu từ 5h, sớm hơn ngày thường từ 1 - 2 tiếng.

Bà Hoàng Tuyết, đại diện Vân Nam Group Tours ước tính, hơn 4.000 khách đi du lịch Trung Quốc đường bộ qua cửa khẩu trong ngày 27/4, cao hơn 1,5 lần so với Tết Âm lịch. Trong ngày "ra quân" đầu dịp lễ 30/4, đơn vị có khoảng 500 khách, với 4 xe đi Lệ Giang, 7 xe đi tuyến Châu Hồng Hà.

"Các hướng dẫn viên gần như thức trắng đêm để giữ chỗ. Các đoàn phải chia ra nhiều khu vực để tập kết, xếp hàng chờ tới lượt di chuyển vào cửa khẩu", bà Tuyết nói.

Du lịch Trung Quốc đường bộ là xu thế dịp lễ năm nay và dự kiến còn tiếp tục trong vài năm tới khi các tuyến điểm mới liên tục được khai thác, mức giá hợp lý hơn bay nội địa, được trải nghiệm văn hóa nước ngoài.

Các đoàn sử dụng visa, di chuyển bằng tàu cao tốc được ưu tiên thông quan trước những đoàn đi bằng sổ thông hành nhằm đảm bảo giờ tàu chạy. Đoàn thông quan sớm nhất của đơn vị vào khoảng 8h45, các đoàn còn lại đều kịp giờ tàu chạy. Một số đoàn đi bằng sổ thông hành dự kiến phải 13h mới thông quan.

Theo các đơn vị khai thác tour Trung Quốc đường bộ, lượng khách ngày 27/4 đông nhất, 28 - 29/4 vẫn đông nhưng ít hơn, từ 30/4 sẽ quay về như ngày thường. Ngày 27/4 đông nhất do có nhiều đoàn khách đi tuyến Lệ Giang (5 ngày 4 đêm). Nếu đi tuyến này vào ngày 28 hoặc 29/4, đoàn sẽ trùng giai đoạn Tuần lễ vàng - cao điểm của du lịch Trung Quốc. Do đó, các ngày 28 và 29/4 khách chủ yếu đi Châu Hồng Hà, thời gian 3 - 4 ngày.

Đường sắt mở đoàn tàu chất lượng cao Sài Gòn - Đà Nẵng

Tàu SE22/21 chạy tuyến Sài Gòn - Đà Nẵng và ngược lại được thiết kế hiện đại, nhiều tiện ích, khai thác từ ngày 27/4 giúp nâng cao chất lượng phục vụ khách.

Tàu SE21/22 được nâng cấp, cải tạo từ các toa xe tốt nhất hiện nay

Tàu SE21/22 được nâng cấp, cải tạo từ các toa xe tốt nhất hiện nay

Chuyến tàu đầu tiên SE22 xuất phát từ ga Sài Gòn, Quận 3, lúc 11h chở hơn 400 khách, đến Đà Nẵng lúc 6h5 ngày 28/4. Chiều ngược lại, tàu SE21 khởi hành ở ga Đà Nẵng lúc 8h15, đến Sài Gòn hơn 4h hôm sau. Đây là đoàn tàu chất lượng cao đầu tiên đưa vào hoạt động ở chặng đường trên, góp phần đáp ứng nhu cầu hành khách tăng cao.

Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, tàu SE21/22 được nâng cấp, cải tạo từ các toa xe tốt nhất hiện nay. Bên ngoài, tàu được sơn mới với màu trắng xám và xanh là chủ đạo. Phía trong, toa xe được thiết kế thông thoáng hơn so với tàu truyền thống. Nội thất cũng được thay mới hoàn toàn, có wifi, điều hòa...

Tại các toa giường nằm, mỗi giường được bố trí đèn đọc sách, cổng sạc và trang bị nệm, chăn, ga, gối, rèm cửa mới... Riêng khu vực ghế ngồi, trên tàu có một toa được thiết kế loại ghế xoay 180 độ, giúp khách tự điều chỉnh hướng ngồi theo nhu cầu. Toa phục vụ ăn uống được bố trí ở giữa đoàn tàu giúp khách ở hai đầu giảm thời gian di chuyển. Ngoài ra, trên tàu cũng có một toa thiết kế 2 giường phục vụ khách muốn có không gian riêng…

"Việc đưa vào khai thác tàu SE21/22 nằm trong định hướng nâng cao chất lượng phục vụ khách của ngành đường sắt. Ngoài đáp ứng nhu cầu đi lại sẽ góp phần phát triển du lịch, kinh tế ở các địa phương", ông Khánh nói và cho biết, song song với việc đổi mới trang thiết bị và chất lượng dịch vụ trên tàu, ngành đường sắt đang đầu tư cải tạo, chỉnh trang các phòng chờ, nâng chất lượng phục vụ khách tại các ga Sài Gòn, Đà Nẵng, Nha Trang...

Tàu chở 68.000 tấn lương thực mắc cạn ở Vũng Tàu

Tàu Captain Antonis treo cờ Cyprus chở hơn 68.000 tấn bắp, lúa mỳ bị mắc cạn ở cửa luồng Vũng Tàu được tàu hàng hải kéo thoát ra ngoài, rạng sáng 27/4.

Tàu Captain Antonis khi được tàu kéo đưa khỏi vùng mắc cạn

Tàu Captain Antonis khi được tàu kéo đưa khỏi vùng mắc cạn

Con tàu dài gần 230 m, rộng 32,6 m, trọng tải hơn 82.000 tấn chở bắp, lúa mỳ di chuyển vào khu neo đậu làm thủ tục kiểm dịch thực vật trước khi cập cảng Việt Nam thì bị mắc cạn ở cửa luồng Vũng Tàu, chiều 26/4.

Trên tàu lúc này có 22 thuyền viên, gồm thuyền trưởng quốc tịch Hy Lạp và các thuyền viên người Philippines. Vị trí tàu hàng gặp nạn có mật độ tàu thuyền qua lại đông và nhạy cảm về an toàn hàng hải.

Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu cử cán bộ nhiều kinh nghiệm ra hiện trường khảo sát, lên phương án kéo tàu Captain Antonis thoát khỏi vùng cạn. Đến 4h30, ba tàu kéo đã giải cứu thành công, đưa Captain Antonis vào khu neo đậu Vũng Tàu, cách mũi Vũng Tàu 4,5 hải lý.

Cơ quan chức năng yêu cầu chủ tàu khảo sát đáy tàu, chân vịt..., kịp thời xử lý hư hỏng nếu có sau sự cố để không bị thiệt hại khi cập cảng bốc dỡ hàng hóa.

Theo website theo dõi tàu Marinetraffic, tàu Captain Antonis khởi hành từ cảng Montevideo (Uruguay) hôm 18/3, hành trình sẽ đến cảng ở TP.HCM.

Xảy ra động đất 4 độ richter tại Tuyên Quang

Trận động đất không gây thiệt hại về người nhưng khiến một số khu vực cảm nhận rõ rung lắc.

Vị trí chấn tâm động đất tại Tuyên Quang

Vị trí chấn tâm động đất tại Tuyên Quang

Ngày 27/4, theo thông tin từ Viện Vật lý địa cầu, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã xảy ra trận động đất mạnh 4 độ richter.

Theo đó, khoảng 16h cùng ngày, trận động đất xảy ra tại vị trí có tọa độ 22.174 độ vĩ Bắc, 104.883 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km tại khu vực huyện Hàm Yên.

Trận động đất không gây thiệt hại về người nhưng khiến người dân một số địa phương tại Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Giang cảm nhận được rung lắc. Trận động đất diễn ra khoảng 5 giây.

Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

TP.HCM yêu cầu 4 bệnh viện trực tại các điểm bắn pháo hoa

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay, TP.HCM tổ chức bắn pháo hoa từ 21h đến 21h15 ngày 30/4/2024. Để đảm bảo công tác y tế, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các bệnh viện trong khu vực có bắn pháo hoa phải sẵn sàng sơ cấp cứu, vận chuyển người bệnh.

Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các bệnh viện đảm bảo công tác trong thời điểm bắn pháo hoa

Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các bệnh viện đảm bảo công tác trong thời điểm bắn pháo hoa

Ngày 27/4, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi các bệnh viện trên địa bàn Thành phố về việc đảm bảo công tác y tế trong đêm bắn pháo hoa (từ 21h đến 21h15 ngày 30/4/2024).

4 cơ sở y tế gồm: Bệnh viện TP. Thủ Đức, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Quận 11, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á - là những bệnh viện tại khu vực có tổ chức điểm bắn pháo hoa - phân công xe và êkíp cấp cứu với đầy đủ nhân sự, thiết bị, cơ số thuốc cấp cứu.

Các bệnh viện này sẵn sàng làm nhiệm vụ trong suốt quá trình vận chuyển đạn pháo hoa và thường trực tại các điểm cầu, vận chuyển người bệnh về bệnh viện gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời, đảm bảo an toàn người bệnh trong trường hợp xảy ra sự cố tại các điểm bắn pháo hoa.

Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương phải sẵn sàng tiếp nhận, khẩn trương điều trị cấp cứu người bệnh, đồng thời tiếp ứng tại hiện trường khi có yêu cầu…

Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các bệnh viện tổ chức tốt việc trực cấp cứu, khám chữa bệnh, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ các trường hợp cấp cứu.

Chuyên đề