Việc ban hành Luật PPP sẽ tạo điều kiện triển khai dự án hạ tầng minh bạch và thuận lợi hơn. Ảnh: Lê Tiên |
Kết quả tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, các bộ, ngành, địa phương đã ký kết, thực hiện 336 dự án PPP trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia với tổng vốn đầu tư 1.609.295 tỷ đồng. Trong đó có 220 dự án lĩnh vực giao thông vận tải; 32 dự án hạ tầng kỹ thuật về nhà ở tái định cư, ký túc xá; 20 dự án trụ sở làm việc; 18 dự án năng lượng và 18 dự án về cấp, thoát nước, môi trường. Các công trình, dịch vụ có được từ các dự án PPP đã góp phần tích cực hoàn thiện số lượng, chất lượng, kịp thời giải quyết các nhu cầu bức xúc về dịch vụ công của người dân và nhu cầu cấp bách về hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội.
Trong 336 dự án PPP nói trên, có 140 dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), 188 dự án BT (xây dựng - chuyển giao), còn lại là các dự án BOO (xây dựng - sở hữu - vận hành), BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao) và BOT kết hợp BT.
Theo TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh những kết quả đạt được thì tại các dự án PPP thời gian qua, việc lựa chọn nhà đầu tư vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức vì hầu hết các dự án PPP đã được kiểm toán đều áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà đầu tư. Khả năng tài chính của nhà đầu tư yếu dẫn đến phải đi vay và phát sinh tiêu cực. Nhiều danh mục dự án kêu gọi đầu tư được phê duyệt nhưng đến nay kết quả thu hút đầu tư còn hạn chế. Với các dự án do nhà đầu tư đề xuất, việc lựa chọn dự án còn nóng vội, công tác chuẩn bị dự án, thẩm định dự án khảo sát chưa kỹ, chưa lấy ý kiến rộng rãi đến người dân. Thiếu cơ chế phù hợp để người sử dụng dịch vụ phản hồi việc cung cấp dịch vụ tới các cơ quan quản lý nhà nước.
Thời gian qua, hầu hết các dự án PPP cũng bộc lộ hạn chế về minh bạch thông tin, việc công bố dự án, danh mục dự án chưa được thực hiện nghiêm túc, công khai. Nội dung thông tin về dự án không rõ ràng, không xác định được quyền của người sử dụng dịch vụ, nhà đầu tư và Nhà nước trong thực hiện dự án. Trong lĩnh vực giao thông, việc chọn loại hình cho dự án chỉ nâng cấp, cải tạo hoặc với các tuyến đường độc đạo chưa phù hợp.
Mặt khác, theo ý kiến của một số nhà đầu tư, ở nhiều dự án PPP, công cụ tài chính - nguồn lực đầu tư của Nhà nước tham gia chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án và bảo đảm rủi ro cho nhà đầu tư cũng không được bố trí đầy đủ. Hiện nay, Nhà nước vẫn chưa có nguồn lực bố trí để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và khả thi; thiếu cơ chế bố trí vốn đầu tư công tham gia đầu tư trong dự án PPP, cũng như thiếu công cụ chia sẻ rủi ro cho dự án liên quan đến việc bảo lãnh doanh thu, chuyển đổi ngoại tệ, thay đổi quy hoạch… Mặc dù hợp đồng PPP đã ký kết nhưng khi cơ quan nhà nước vi phạm thì chưa có chế tài xử lý với tư cách là một bên ký hợp đồng…
Các chuyên gia cho rằng, tổng kết thực tiễn triển khai dự án PPP thời gian qua là bài học kinh nghiệm quý báu để sớm hoàn thiện cơ chế hợp tác PPP, xây dựng đồng bộ khung pháp lý hoàn chỉnh, phù hợp với thực tiễn, minh bạch và thuận lợi trong triển khai dự án. Theo đó, cần sớm ban hành Luật PPP, trong đó làm rõ tính chất công - tư của dự án PPP; việc lựa chọn dự án áp dụng phương thức PPP được thực hiện kỹ lưỡng; dự án PPP được đẩy mạnh đấu thầu rộng rãi, cạnh tranh và rút ngắn thủ tục đấu thầu; quy trình lựa chọn nhà đầu tư PPP được đơn giản hóa; có cơ chế bố trí vốn đầu tư công cho dự án PPP cũng như bảo đảm rủi ro cho nhà đầu tư…