Hà Nội đa dạng hóa nguồn lực cho đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhu cầu vốn cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 theo đề xuất của các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã của Hà Nội khoảng hơn 480 nghìn tỷ đồng, nhưng khả năng phân bổ ngân sách chỉ đạt chưa đến 50% nhu cầu.
Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được phê duyệt, TP. Hà Nội được phân bổ 209.377 tỷ đồng, chỉ đạt chưa đến 50% nhu cầu. Ảnh: Lê Hiếu
Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được phê duyệt, TP. Hà Nội được phân bổ 209.377 tỷ đồng, chỉ đạt chưa đến 50% nhu cầu. Ảnh: Lê Hiếu

Do đó, Hà Nội dự kiến đầu tư nhiều công trình, dự án, vừa từ nguồn ngân sách nhà nước, vừa đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn khác để hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội của Thành phố. Đây sẽ là cơ hội cho nhiều nhà đầu tư tham gia vào các công trình lớn của Thủ đô trong thời gian tới.

Đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội

Theo UBND TP. Hà Nội, đến năm 2025, Thành phố phấn đấu cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực, GRDP bình quân đầu người đạt 8.300 - 8.500 USD.

Để góp phần thực hiện những mục tiêu phát triển đề ra, nhiều công trình, dự án sẽ được Thành phố đầu tư trong giai đoạn tới, nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả của Thủ đô. Trong đó, UBND TP. Hà Nội đã lên kế hoạch tập trung đầu tư, xây dựng, hoàn thành nhiều dự án giao thông trọng điểm. Có thể kể đến một số dự án lớn như Vành đai 4 bao gồm cầu Mễ Sở (đường dẫn hai đầu cầu kết nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) và cầu Hồng Hà; trục Tây Thăng Long; Vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - Giải Phóng, các cầu vượt sông Hồng (cầu Vân Phúc, cầu Thượng Cát, cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Mễ Sở); cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6... Dự kiến đầu tư đưa vào vận hành 2 - 3 tuyến đường sắt đô thị vận tải hành khách khối lượng lớn, tốc độ cao. Hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3.2 (ga Hà Nội - Hoàng Mai), tuyến số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc), tuyến số 2.3 (đoạn Nam Thăng Long - Nội Bài)...

Để đáp ứng nhu cầu phát triển, TP. Hà Nội sẽ đẩy mạnh khai thác hiệu quả nhiều nguồn lực, trong đó, việc khai thác nguồn lực từ đất thông qua đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất là một giải pháp quan trọng.

Để phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội, đô thị, Hà Nội dự kiến triển khai đầu tư xây dựng 2 - 3 khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh. Cùng với đó là phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội các đô thị vệ tinh, ưu tiên đầu tư xây dựng đô thị vệ tinh Hòa Lạc trên cơ sở quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra, Hà Nội sẽ thực hiện cải tạo, xây dựng mới 50 công viên, vườn hoa; triển khai hạ ngầm cáp viễn thông, điện lực tại 300 tuyến phố khu vực phố cũ; hoàn thành Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và hệ thống thu gom nước thải, đưa Nhà máy vào vận hành, khai thác chậm nhất trong năm 2023. Thành phố cũng sẽ đầu tư xây dựng Dự án Cung Văn hóa thể thao thanh niên Hà Nội...

Bên cạnh đó, Hà Nội chú trọng đầu tư hạ tầng khu công nghiệp để đẩy mạnh thu hút đầu tư với kế hoạch đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Quang Minh II (Mê Linh), Khu công nghệ cao sinh học (Bắc Từ Liêm), Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn. Hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư Khu công viên phần mềm tại quận Long Biên và huyện Đông Anh, xây dựng 46/159 cụm công nghiệp còn lại theo quy hoạch...

Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư

Tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, TP. Hà Nội được phân bổ 209.377 tỷ đồng, gồm 29.803,154 tỷ đồng ngân sách trung ương và 179.574,4 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương. Trong số vốn ngân sách trung ương, thì 5.937,654 tỷ đồng vốn trong nước và 23.865,5 tỷ đồng vốn nước ngoài.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một cán bộ của Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, để đáp ứng nhu cầu phát triển, TP. Hà Nội sẽ đẩy mạnh khai thác hiệu quả nhiều nguồn lực, trong đó, việc khai thác nguồn lực từ đất thông qua đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất là một giải pháp quan trọng. Bên cạnh đó là nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tăng thu, tiết kiệm chi, thu hút các nguồn vốn từ các thành phần kinh tế khác vào đầu tư...

UBND TP. Hà Nội cũng xác định định hướng đầu tư trong giai đoạn tới là vốn đầu tư ngân sách Thành phố tập trung vào các chương trình mục tiêu, các dự án trọng điểm, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Vốn ngoài ngân sách tập trung cho các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại; du lịch, khách sạn; nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản; y tế, giáo dục, thể dục thể thao, môi trường, cấp nước, xử lý nước thải, xử lý rác thải, chất thải, nghĩa trang. Khuyến khích đầu tư theo phương thức đối tác công - tư nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, nhà ở và các vấn đề dân sinh bức xúc.

Chuyên đề