Bên mời thầu: Bệnh viện Bình Dân
Chủ đầu tư: Bệnh viện Bình Dân
Nội dung kiến nghị/đề nghị làm rõ:
Tiêu chí HSMT:
Tại khoản 2 Mục 3 Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật thuộc Chương III, HSMT yêu cầu nhà thầu:
Cung cấp tài liệu chứng nhận tiêu chuẩn của nhà sản xuất ISO 9001, ISO 14001 còn hiệu lực (trường hợp nhà thầu là nhà sản xuất).
Cung cấp các tài liệu chứng nhận/chứng minh đáp ứng các tiêu chuẩn của mực in: ISO/IEC 19752 hoặc TCVN:11790:2017 (về phương pháp xác định hiệu suất trang in hộp mực cho máy in đơn sắc); ISO/IEC 19798 hoặc TCVN11789:2017 (về phương pháp xác định hiệu suất trang in hộp mực cho máy in màu).
Tài liệu chứng minh hộp mực đạt tiêu chuẩn về hàm lượng giới hạn cho phép của một số hóa chất độc hại trong sản phẩm điện, điện tử theo Thông tư số 30/2011/TT-BCT ngày 10/8/2011 của Bộ Công Thương, có hiệu lực từ ngày 23/9/2011.
Kiến nghị/đề nghị làm rõ của nhà thầu:
Theo Nhà thầu, ISO/IEC 19752 và TCVN 11790:2017 là các tiêu chuẩn được đưa ra làm phương pháp thử nghiệm cho các nhà sản xuất sử dụng để xác định năng suất in của hộp mực và không có bất kỳ quy định nào chỉ dẫn phải được xác định, đánh giá, cấp chứng chỉ... thông qua đơn vị chức năng có thẩm quyền. Bởi lẽ, bất kỳ ai cũng có thể thực hiện phương pháp thử này khi tập hợp đủ tổ hợp gồm 3 máy in và 9 hộp mực (mỗi máy in sử dụng 3 hộp mực) theo hướng dẫn tại TCVN 11790:2017. Tương tự đối với tiêu chuẩn ISO/IEC 19798 – hoặc TCVN 11789:2017 về phương pháp xác định hiệu suất trang in hộp mực cho máy in màu và thiết bị đa chức năng chứa bộ phận in.
Nhà thầu cho biết đã liên hệ một số đơn vị thực hiện thử nghiệm và được trả lời đây là tiêu chuẩn không bắt buộc và chỉ thực hiện dựa trên nhu cầu của khách hàngvới điều kiện khách hàng tự chuẩn bị mực in, máy in, giấy in. Đơn cử, để thử nghiệm hộp mực in CF226A cho máy in HP M402N, 402D... nhà thầu cần chuẩn bị 9 hộp mực CF226A, 3 máy in, giấy in A4 56 ream. Chi phí thử nghiệm hộp mực CF226A dự kiến là 25.759.000 đồng (chưa bao gồm chi phí mua 3 máy in). Cụ thể, chi phí thử nghiệm: 9.000.000 đồng/1 loại hộp mực thử nghiệm; chi phí cấp xác nhận thử nghiệm: 4.000.000 đồng/1 loại hộp mực thử nghiệm; chi phí mực in: 1.463.000 đồng x 9 hộp mực = 13.167.000 đồng; chi phí giấy in: 56 ream x 57.000/1 ream (giấy Delight) = 3.192.000 đồng.
Đối với các hộp mực có số trang in 12.000 trang chi phí phát sinh khi thử nghiệm sẽ lớn hơn rất nhiều.
Các khoản chi phí này sẽ được nhà thầu tính toán, đưa vào giá chào thầu và đẩy giá lên cao, gây lãng phí ngân sách nhà nước. Trong khi đó, không một nhà thầu nào sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để thực hiện thử nghiệm nếu không chắc chắn trúng thầu.
Hơn nữa, các hãng sản xuất máy in và hộp mực đi theo máy in (sản phẩm đồng bộ) như HP, Canon, Epson... đều công bố các tài liệu liên quan đến sản phẩm.
Đối với yêu cầu có chứng nhận tuân thủ quy định về hạn chế chất độc hại (đảm bảo hàm lượng các chất độc hại như chì, cadmium, thủy ngân, crom hexavalent, PBB và PBDE... trong giới hạn cho phép) theo Thông tư số 30/2011/TT-BCT, Nhà thầu cho biết, khoản 3 Điều 5 Thông tư số 30/2011/TT-BCT quy định tạm thời về giới hạn hàm lượng cho phép của một số hóa chất độc hại trong sản phẩm điện, điện tử quy định: “Một sản phẩm điện, điện tử được coi là tuân thủ quy định về hàm lượng giới hạn hóa chất độc hại nếu như tất cả vật liệu đồng nhất cấu thành sản phẩm đó tuân thủ hàm lượng giới hạn hóa chất độc hại”.
Để đáp ứng được tiêu chí này, toàn bộ cấu kiện của hộp mực như vỏ hộp mực, bột mực, ốc, drum, gạt, trục từ, trục sạc, nhông, nhãn mác, chip, lò xo, nắp trống, tiếp điện... phải được kiểm nghiệm và đáp ứng yêu cầu. Việc này làm phát sinh nhiều chi phí không cần thiết cho Gói thầu, đặc biệt để kiểm nghiệm được toàn bộ các cấu kiện của hộp mực cần rất nhiều thời gian. Trong khi, với thời gian mời thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia không có nhà thầu nào có thể đáp ứng, trừ trường hợp đã được chuẩn bị trước.
Nhà thầu cho rằng, với các yêu cầu trên, HSMT đang làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu, gây lãng phí nguồn ngân sách nhà nước. Trong khi mực in là sản phẩm phổ biến và thông dụng trên thị trường, nhưng HSMT lại đưa ra quá nhiều yêu cầu khắt khe mà ngay cả sản phẩm mực in chính hãng của hãng sản xuất máy in (sản phẩm đồng bộ) cũng không có giấy tờ để chứng minh tính đáp ứng.
Trả lời, giải quyết kiến nghị/đề nghị làm rõ:
Theo văn bản làm rõ ngày 10/01/2025, Bên mời thầu cho biết sẽ sửa đổi yêu cầu về ISO/IEC 19752 hoặc TCVN:11790:2017 và ISO/IEC 19798 hoặc TCVN 11789:2017.
Đối với yêu cầu có chứng nhận tuân thủ quy định về hạn chế chất độc hại, Bên mời thầu cho biết, các sản phẩm điện, điện tử lưu thông trên thị trường Việt Nam phải đảm bảo giới hạn hàm lượng cho phép của một số hóa chất độc hại được quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư số 30/2011/TT-BCT có nhóm sản phẩm "Thiết bị công nghệ thông tin và truyền thông", trong đó có "Thiết bị in, photocopy", mã số HS 8443 (hộp mực in cũng có mã số HS 8443). Như vậy, việc HSMT yêu cầu tài liệu nêu trên đối với mực in là hoàn toàn tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Kết quả giải quyết kiến nghị/đề nghị làm rõ:
Ngày 13/01/2025, Chủ đầu tư phê duyệt HSMT sửa đổi. Nội dung sửa đổi HSMT tại khoản 2 Tính hợp lệ và chất lượng của hàng hóa thuộc Mục 3 Chương III như sau:
Cung cấp tài liệu chứng nhận tiêu chuẩn của nhà sản xuất ISO 9001, ISO 14001 còn hiệu lực (trường hợp nhà thầu là nhà sản xuất).
Cung cấp tài liệu chứng minh hộp mực đạt tiêu chuẩn về hàm lượng giới hạn cho phép của một số hóa chất độc hại trong sản phẩm điện, điện tử theo Thông tư số 30/2011/TT-BCT ngày 10/8/2011 của Bộ Công Thương, có hiệu lực từ ngày 23/9/2011.
Gói thầu được gia hạn thời điểm đóng thầu 2 lần: lần 1 từ ngày 09/01 sang ngày 15/01/2025 (thời điểm gia hạn ngày 08/01/2025); lần 2, từ ngày 15/01 sang ngày 17/01/2025 (thời điểm gia hạn ngày 10/01/2025).