Gói thầu mua phân NPK tại Bình Thuận: Vinafarm Việt Nam gặp khó sau trúng thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Công ty CP Vinafarm Việt Nam vừa có đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng phản ánh việc Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh Bình Thuận gây khó khăn cho Nhà thầu trong quá trình thực hiện hợp đồng Gói thầu mua sắm lô hàng phân NPK 1,445 tỷ đồng. Theo kiến nghị, thời gian thực hiện hợp đồng chỉ 1 tháng nhưng 4 tháng trôi qua, Chủ đầu tư mới tiếp nhận 45% khối lượng hàng hóa do Nhà thầu cung cấp.
Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh Bình Thuận mua 100 tấn phân bón NPK nhưng chỉ có thể tiếp nhận mỗi lần 10 tấn. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh Bình Thuận mua 100 tấn phân bón NPK nhưng chỉ có thể tiếp nhận mỗi lần 10 tấn. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Gói thầu Mua sắm lô hàng phân NPK 16.16.8+TE để thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh năm 2023 theo Nghị quyết số 18/2022/NQ-HĐND có giá 1,75 tỷ đồng, do Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh Bình Thuận làm Chủ đầu tư, Công ty TNHH Tư vấn tổng hợp Nhật Huy mời thầu. Gói thầu được đấu thầu qua mạng, đóng thầu ngày 19/8/2023 với 4 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT) gồm: Công ty CP Vinafarm Việt Nam (giá dự thầu 1,445 tỷ đồng, xếp hạng 1); Công ty CP Dịch vụ nông nghiệp Bình Thuận (giá dự thầu 1,499 tỷ đồng, xếp hạng 2); Công ty TNHH Sản xuất thương mại cao su kỹ thuật Nguyên Khang (giá dự thầu 1,5 tỷ đồng, xếp hạng 3); Công ty TNHH KC Hà Tĩnh (giá dự thầu 1,505 tỷ đồng, xếp hạng 4).

Ngày 20/9/2023, Công ty CP Vinafarm Việt Nam được công bố trúng gói thầu trên với giá 1,445 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 30 ngày, loại hợp đồng trọn gói, hiệu lực hợp đồng đến hết ngày 31/12/2023.

Theo hợp đồng, Nhà thầu cung cấp 100 tấn NPK cho Chủ đầu tư trong vòng 1 tháng. Đến nay, theo phản ánh của Nhà thầu, hợp đồng đã hết hiệu lực nhưng Chủ đầu tư mới chỉ nhận 45/100 tấn NPK. Nhà thầu đã nhiều lần có văn bản, liên hệ điện thoại, nhắn tin đôn đốc Chủ đầu tư đưa ra các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giao hàng nhưng không có phản hồi.

Ông Đặng Thắng, Giám đốc Công ty CP Vinafarm Việt Nam cho biết, Chủ đầu tư tiếp nhận hàng hóa nhỏ giọt, chỉ khoảng 10 tấn/lần, mỗi lần đều phải lấy mẫu kiểm nghiệm gửi Trung tâm Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 3 ở TP.HCM đánh giá, xác nhận. Chi phí mỗi lần lấy mẫu là 3 triệu đồng/mẫu (do Nhà thầu chi trả), chờ kết quả mất vài tuần, nếu đạt yêu cầu mới cho Nhà thầu cung cấp tiếp… Quá trình này khiến Nhà thầu không thể thực hiện hợp đồng theo đúng tiến độ, chi phí vận chuyển hàng hóa và lưu kho đội lên rất nhiều nhưng không được thanh toán vì đây là hợp đồng trọn gói. Hiện Chủ đầu tư mới thanh toán 30% giá trị 45 tấn NPK đã giao. Chủ đầu tư còn yêu cầu Nhà thầu đào tạo, tập huấn chuyển giao công nghệ cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Thuận (khoảng 1.500 người, tập huấn trước ngày 31/5/2024, nếu không phải bồi thường 15% giá trị hợp đồng).

Trả lời phóng viên Báo Đấu thầu, cán bộ của Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh Bình Thuận cho biết, Chủ đầu tư không có đủ kho để tiếp nhận 1 lần toàn bộ số hàng hóa mà mỗi lần chỉ tiếp nhận được khoảng 10 tấn, mỗi lần tiếp nhận phải lấy mẫu thử nghiệm, thời gian trả kết quả thử nghiệm của Trung tâm Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 3 khoảng 10 - 15 ngày. Có lần Nhà thầu cung cấp mẫu không đạt yêu cầu nên phải chuyển trả lại hàng dẫn đến quá trình thực hiện hợp đồng kéo dài. Chủ đầu tư đang thương thảo với Nhà thầu để kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng. Do Nhà thầu ở xa nên quá trình vận chuyển tốn kém chi phí. Nhà thầu lần đầu trúng thầu ở Trung tâm nên Chủ đầu tư chưa yên tâm về chất lượng hàng hóa Nhà thầu cung cấp, do đó phải tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm nhiều lần. Sau khi Nhà thầu có kiến nghị, Chủ đầu tư đã lên kế hoạch tiếp nhận đủ 55 tấn phân NPK còn lại trong tháng 1/2024. Còn việc hỗ trợ đào tạo, tập huấn chuyển giao công nghệ cho đồng bào dân tộc thiểu số một mặt giúp Nhà thầu quảng bá sản phẩm, mặt khác hỗ trợ Chủ đầu tư hướng dẫn cách dùng sản phẩm cho bà con.

Theo một chuyên gia về đấu thầu, lý do lớn nhất cản tiến độ thực hiện hợp đồng chính là năng lực tiếp nhận hàng hóa hạn chế của chủ đầu tư (điều kiện về kho chứa chỉ 10 tấn/lần). Để cung cấp hết đơn hàng trên, nhà thầu phải giao hàng đến 10 lần, nếu mỗi lần phải lấy mẫu kiểm nghiệm thì tối đa trong thời gian 1 tháng chỉ có thể tiếp nhận 3 lượt giao hàng. Với quy trình trên, thời gian thực hiện hợp đồng 1 tháng mà chủ đầu tư đưa ra là không khả thi. Về phía nhà thầu, trong quá trình thương thảo hợp đồng đã không lường trước được tính khả thi, những khó khăn trong quá trình cung cấp hàng hóa cho chủ đầu tư để ràng buộc chặt trách nhiệm của chủ đầu tư phải tiếp nhận hàng hóa nhiều hơn. Đây cũng là bài học khi tiến hành thương thảo cần cẩn trọng trước khi đặt bút ký hợp đồng, phải lường trước tính sau các tình huống xảy ra, nếu hợp đồng không chặt chẽ thì khi phát sinh sự việc ngoài mong muốn, người chịu thiệt hại chính là nhà thầu.

Chuyên đề