Gỡ vướng mặt bằng cho dự án truyền tải điện từ Lào về Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự án Mở rộng ngăn lộ và cải tạo trạm biến áp 500 kV Thạnh Mỹ được đầu tư với mục tiêu nhằm nâng cấp hạ tầng truyền tải phục vụ mua điện từ Lào về Việt Nam theo kế hoạch sẽ được khởi công tháng 12/2023. Hiện nay, chủ đầu tư, địa phương liên quan đang cấp tập triển khai các thủ tục giải phóng mặt bằng (GPMB) để kịp tiến độ khởi công Dự án.
Dự án Mở rộng ngăn lộ và cải tạo trạm biến áp 500 kV Thạnh Mỹ được xây dựng tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 800 tỷ đồng. Ảnh: EVN
Dự án Mở rộng ngăn lộ và cải tạo trạm biến áp 500 kV Thạnh Mỹ được xây dựng tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 800 tỷ đồng. Ảnh: EVN

Dự án được xây dựng tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 800 tỷ đồng, bao gồm hơn 30 hạng mục trụ và 44 km đường dây cao thế 500 kV... Dự án do Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) làm Chủ đầu tư; Ban Quản lý dự án điện 2 quản lý điều hành Dự án. Khi hoàn thành, công trình sẽ truyền tải điện năng nhập khẩu từ cụm Nhà máy Điện gió MonSoon (Lào) về Việt Nam.

HĐND tỉnh Quảng Nam đã có nghị quyết duyệt danh mục thu hồi đất năm 2023, gồm 18,83 ha cho Dự án (12,83 ha cho phần trạm và 6 ha cho phần đường dây). UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu của kỳ quy hoạch sử dụng đất huyện Nam Giang, trong đó có Dự án Mở rộng ngăn lộ và cải tạo trạm biến áp 500 kV Thạnh Mỹ.

Theo UBND huyện Nam Giang, các bên đang phối hợp đo vẽ, trích lục bản đồ diện tích đất thu hồi và đã kiểm kê, niêm yết thông báo thu hồi đất được một phần. Tuy nhiên, qua quá trình kiểm tra, rà soát, một số thông tin về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của Dự án chưa trùng khớp nên UBND huyện Nam Giang đã có văn bản đề xuất Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam rà soát, hiệu chỉnh theo quy định. “Khi có ý kiến từ Sở Tài nguyên và Môi trường, có hồ sơ kiểm kê, giải thửa, áp giá, thu hồi đất từ đơn vị quản lý Dự án thì Huyện mới có cơ sở triển khai”, ông A Viết Sơn, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết. Đồng thời, với tính chất cấp bách của Dự án, huyện Nam Giang đã nhất trí với đề xuất của Chủ đầu tư về việc triển khai song song vừa bồi thường GPMB, vừa thi công.

Nhà máy Điện gió Monsoon do Công ty Impact Energy Asia Development Limited (IEAD) làm Chủ đầu tư, tổng công suất 600 MW, tổng mức đầu tư ước tính khoảng 930 triệu USD, nằm cách biên giới Lào - Việt Nam khoảng 22 km. Toàn bộ sản lượng điện từ dự án này sẽ được bán cho Việt Nam theo hợp đồng mua bán điện 25 năm được ký kết giữa IEAD với EVN.

Về phía Chủ đầu tư, xác định đây là công trình trọng điểm, trong tháng 5/2023, liên tục có các cuộc làm việc giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), EVNNPT, Ban Quản lý dự án điện 2 với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, huyện Nam Giang để phối hợp giải quyết các vướng mắc, khó khăn mà Dự án đang gặp phải. Ông Phạm Lê Phú, Tổng giám đốc EVNNPT cho biết, để bảo đảm tiến độ, từ tháng 4/2023, EVNNPT đã thành lập Ban Chỉ đạo Dự án do ông trực tiếp chỉ đạo, điều hành. Đồng thời, thành lập Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo về công tác bồi thường GPMB, hỗ trợ công tác đo vẽ, giải thửa phần các vị trí móng cột đường dây hoàn trả trước (30 vị trí), để bàn giao và tiến hành khởi công phần đường dây trước.

Đến thời điểm này, theo EVNNPT, đơn vị đã hoàn thành Kế hoạch lựa chọn nhà thầu đợt 1 (giai đoạn chuẩn bị dự án) với các gói thầu: Cung cấp dịch vụ tư vấn khảo sát xây dựng, lập báo cáo nghiên cứu khả thi (Gói số 1); Cung cấp dịch vụ tư vấn thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi (Gói số 2); Cung cấp dịch vụ tư vấn giám sát khảo sát xây dựng giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi (Gói số 3). “Ban Quản lý dự án và tư vấn thiết kế đang phối hợp cùng địa phương thực hiện các phần việc liên quan để đưa Dự án hoàn thành đúng tiến độ, đáp ứng yêu cầu đặt ra, sẵn sàng nhận điện nhập khẩu từ Lào về Việt Nam sau khi đường dây hoàn thành”, ông Phạm Lê Phú chia sẻ thêm.

Chuyên đề