Giảm lãi suất, bớt áp lực cho VND

(BĐT) - Động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được cho là phù hợp và cần thiết ở thời điểm hiện nay, gián tiếp giảm áp lực cho tỷ giá VND với các đồng tiền khác. Tuy nhiên, khi vốn tín dụng có giá rẻ hơn cũng là lúc cần giám sát chặt diễn biến tăng trưởng tín dụng để kiểm soát được nguồn tiền đổ vào các lĩnh vực nhạy cảm.
Dòng vốn đổ vào thị trường sẽ mạnh mẽ hơn sau quyết định giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: Tường Lâm
Dòng vốn đổ vào thị trường sẽ mạnh mẽ hơn sau quyết định giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: Tường Lâm

Nhiều yếu tố thuận lợi

NHNN cho biết, giai đoạn trước đây, trong bối cảnh lãi suất quốc tế gia tăng, cơ quan này đã điều hành đồng bộ các giải pháp chính sách tiền tệ nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng hợp lý.

Thời gian gần đây, kinh tế thế giới diễn biến kém thuận lợi hơn, nhiều ngân hàng trung ương các nước, trong đó có Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã giảm lãi suất điều hành. Mặt khác, kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, với lạm phát được kiểm soát, thị trường tiền tệ, ngoại hối diễn biến ổn định.

Do đó, tại Quyết định số 1870/QĐ-NHNN ngày 12/9/2019 về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng, NHNN quyết định điều chỉnh giảm lãi suất từ ngày 16/9/2019.

Cụ thể, giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,25%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm; giảm lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm. Giảm lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm.

Quyết định này của NHNN được đưa ra ngay sau khi ECB thông qua việc hạ lãi suất và mua lại trái phiếu nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực châu Âu. Cụ thể, ECB đã hạ lãi suất tiền gửi xuống thấp kỷ lục, từ -0,4% xuống -0,5%.

Trước đó, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đã có động thái giảm lãi suất nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Đáng chú ý, FED đã quyết định giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất cho vay qua đêm từ ngày 1/8.

Đây là lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của FED kể từ khủng hoảng kinh tế năm 2008. Giới quan sát quốc tế cho rằng, FED có thể sẽ tiếp tục giảm lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay. Thậm chí, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn lên tiếng yêu cầu FED tiếp tục giảm lãi suất xuống mức âm.

Giám sát chặt chẽ tín dụng

Bình luận về quyết định của NHNN, TS. Nguyễn Đại Lai, chuyên gia ngân hàng nói: “Việc giảm lãi suất là phù hợp và cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Về thời điểm, dù nhiều ngân hàng trung ương các nước đã giảm lãi suất trong những tháng qua, nhưng đến nay NHNN Việt Nam mới giảm lãi suất không hẳn là chậm, bởi lẽ, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ phải căn cứ trên diễn biến thực tế của nền kinh tế nói chung và thị trường tiền tệ nói riêng để tính toán thời điểm thích hợp. Năm nay, dù kinh tế các nước có những xáo trộn nhất định nhưng kinh tế Việt Nam vẫn rất ổn định về nhiều mặt, thị trường tài chính khả quan và tín dụng được kiểm soát chặt chẽ”.

Từ góc độ khác, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Công ty Nghiên cứu thị trường VietAnalytics bình luận: “Việc giảm lãi suất khiến nhiều người nghĩ đến mục tiêu tăng cung tiền cho nền kinh tế, nhưng ở thời điểm này, nhiều khả năng NHNN giảm lãi suất để gián tiếp làm giảm áp lực của tỷ giá VND so với các đồng tiền khác. Nhiều tháng qua, đồng tiền của nhiều nước đã giảm giá còn VND vẫn giữ tỷ giá khá ổn định so với các đồng tiền khác. Điều này tạo áp lực với hàng xuất khẩu. Trong khi đó, việc giảm giá VND có thể phải đối mặt với nguy cơ bị gắn mác thao túng tiền tệ. Do đó, giảm lãi suất là cách làm khôn khéo hiện nay”.

Cũng theo ông Minh, dù việc giảm lãi suất này sẽ không gây áp lực quá lớn với mục tiêu kiềm chế lạm phát và các yếu tố khác của kinh tế vĩ mô, tuy nhiên, chắc chắn dòng vốn đổ vào thị trường sẽ mạnh mẽ hơn và có thể đẩy tăng trưởng tín dụng mạnh lên.

Do đó, việc kiểm soát cung tiền chặt chẽ, tránh đổ vào các lĩnh vực rủi ro là cần thiết để động thái giảm lãi suất mang lại hiệu quả tối ưu cho nền kinh tế.

Chuyên đề