Năng suất lao động của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn rất thấp so với các nước trong khu vực. Ảnh: Lê Tiên |
Theo nhiều đại biểu Quốc hội, cần phải giảm giờ làm việc cho người lao động bởi sức cạnh tranh của nền kinh tế không nên chỉ dựa vào sức lao động của người lao động, mà còn dựa vào năng lực quản trị, đổi mới công nghệ của chủ sử dụng lao động, doanh nghiệp…
Đặt quan điểm giữ nguyên thời gian làm việc trong tuần là 48 giờ, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) lập luận, Việt Nam mới chỉ vừa thoát khỏi ngưỡng nghèo, mới là nước có thu nhập trung bình thấp, năng suất lao động thậm chí còn đang ở mức thấp nhất trong khu vực thì áp dụng thời gian lao động như các nước xung quanh là phù hợp. “Rút ngắn hơn nữa thời gian lao động sẽ làm suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, gây trở ngại cho việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và khó đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình”, ông Lộc cảnh báo.
Cùng chung quan điểm với ông Vũ Tiến Lộc, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn Hưng Yên) cho rằng, việc giảm thời gian làm việc bình thường xuống 44 giờ trong tuần thay vì 48 giờ/tuần chưa phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay. Hiện năng suất lao động của Việt Nam vẫn đang ở thứ hạng thấp so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của Việt Nam năm 2018 đạt 11.142 USD, chỉ bằng 19% của Malaysia, 37% của Thái Lan và 55,9% của Philippines. Trong khi đó, những quốc gia này vẫn đang duy trì giờ làm việc tiêu chuẩn là 48 giờ trong một tuần.
Trước thực tế đó, nếu cắt giảm giờ làm việc bình thường, các doanh nghiệp sẽ phải bố trí thêm giờ làm hoặc tuyển dụng thêm nhân lực để bù đắp cho phần sản lượng giảm đi. Do đó, chi phí sản xuất và chi phí nhân công sẽ tăng, kéo theo giá thành sản phẩm cũng tăng. Các doanh nghiệp nếu không chịu được áp lực sẽ phải thu hẹp sản xuất. Các doanh nghiệp FDI chuyển sang các nước khác có chi phí nhân công cạnh tranh hơn. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường lao động Việt Nam nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung.
Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, việc giảm thời gian làm việc sẽ làm tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Theo đại biểu Trương Thị Bích Hạnh (đoàn Bình Dương), qua khảo sát 50 doanh nghiệp tại Bình Dương đã áp dụng thời gian làm việc trong tuần không quá 44 giờ, các DN này cho rằng, việc giảm thời gian làm việc không chỉ đảm bảo quyền lợi cho người lao động mà còn tăng lợi thế của DN trong việc tuyển dụng lao động có tay nghề. Mặt khác, DN sẽ thúc đẩy các giải pháp để cải tiến quy trình sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ nhằm tăng năng suất lao động.
Đại biểu Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai) bày tỏ quan điểm, việc tăng giờ làm thêm để bù đắp năng suất lao động, lợi dụng nhân công giá rẻ, chủ yếu là gia công với máy móc, công nghệ khiêm tốn rõ ràng không phù hợp với xu thế lao động hiện nay. Đại biểu này nhấn mạnh, đây không phải là yếu tố lợi thế cạnh tranh trong thời điểm hiện tại và cả trong tương lai. “Chỉ có yếu tố thiết bị máy móc, công nghệ và năng lực quản trị của doanh nghiệp tiên tiến tác động nhiều nhất đến năng suất lao động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Nếu chuyển vấn đề trách nhiệm tạo nên năng suất và hiệu quả lao động về phía người lao động vô tình sẽ không tạo nên động lực đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại và nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp. Đây đang là điểm yếu trong cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Vượt phân tích.
Đồng thuận với quan điểm giảm thời gian làm việc, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP.HCM) nhấn mạnh, sức cạnh tranh của nền kinh tế không nên dựa chủ yếu vào sức lao động của người lao động, mà còn dựa vào năng lực quản trị, đổi mới công nghệ, điều kiện làm việc.
Theo tinh thần đó, đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) cho rằng, cần xây dựng Bộ luật Lao động hướng đến sự tiến bộ của xã hội, tăng trưởng kinh tế không đi liền với việc tăng giờ sử dụng lao động. Quan trọng là phải thay đổi tư duy, sử dụng các yếu tố khoa học công nghệ và kỹ năng quản trị.