Giải ngân đầu tư công tại Bình Thuận: Nhiều mũi giáp công làm chủ tiến độ dự án

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tập trung gỡ vướng trong giải phóng mặt bằng, áp dụng rộng rãi đấu thầu qua mạng, chuẩn hóa quá trình lập hồ sơ mời thầu, linh hoạt phương thức “thanh toán trước, kiểm soát sau”… là những giải pháp của tỉnh Bình Thuận để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Nhiều dự án hạ tầng lớn đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu, bám sát tiến độ thi công để đảm bảo hoàn thành giải ngân 60% kế hoạch vốn vào tháng 9/2022.
Tính đến ngày 31/5, giải ngân vốn tại 9 công trình trọng điểm của tỉnh Bình Thuận đạt 18,45% kế hoạch. Ảnh: Tường Lâm
Tính đến ngày 31/5, giải ngân vốn tại 9 công trình trọng điểm của tỉnh Bình Thuận đạt 18,45% kế hoạch. Ảnh: Tường Lâm

Được khởi công từ tháng 11/2020, Dự án Làm mới đường trục ven biển ĐT.719B đoạn Phan Thiết - Kê Gà với chiều dài 25,61 km, nền đường rộng 28 m, chiều rộng mặt đường 16 m dự kiến đến tháng 1/2024 hoàn thành.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) các công trình giao thông Bình Thuận, tổng diện tích thu hồi đất của Dự án là 146,4 ha, trong đó, trên địa bàn TP. Phan Thiết là 64,5 ha và huyện Hàm Thuận Nam 81,9 ha. Hiện nay, Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp huyện phối hợp với Chủ đầu tư, đơn vị thi công và địa phương đã vận động các hộ bàn giao mặt bằng trước khoảng 17,35 km, đạt 67,75%, trong đó TP. Phan Thiết là 8,07/12,3 km, đạt 65,6%; huyện Hàm Thuận Nam là 9,24/13,31 km, đạt 69,44%. Nhà thầu đang thi công nền đường, cống thoát nước, tường chắn cát trên phạm vi mặt bằng đã được bàn giao.

Được biết, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 515 là nhà thầu thi công 2 gói thầu quan trọng thuộc Dự án. Đó là Gói thầu số 8 Xây lắp toàn bộ công trình (kể cả một số chi phí khác và chi phí dự phòng) với giá trúng thầu 718,584 tỷ đồng, thi công trong 38 tháng; Gói thầu số 7 Xây lắp toàn bộ công trình (kể cả chi phí lắp đặt hạ tầng trạm trộn bê tông nhựa, chi phí đảm bảo an toàn giao thông và dự phòng), giá trúng thầu 324,458 tỷ đồng, thi công trong 870 ngày.

Tại Dự án đường Hàm Kiệm - Tiến Thành với chiều dài khoảng 7,7 km, nền đường rộng 37 m, chiều rộng mặt đường 16 m, nhà thầu đã khởi công xây dựng từ tháng 11/2021, dự kiến đến tháng 10/2023 hoàn thành.

Dự án có tổng diện tích đất phải thu hồi là 34 ha. Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp huyện đã phối hợp với Chủ đầu tư, đơn vị thi công và địa phương vận động các hộ bàn giao mặt bằng trước khoảng 3,71 km, đạt 48%. Đơn vị thi công đang tiến hành đào bóc hữu cơ các đoạn đã được bàn giao mặt bằng; thi công đường công vụ; hoàn thiện nền đường một số đoạn; hoàn thành 2/6 cống thoát nước; thi công cầu Suối Nhỏ.

Theo đánh giá của Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông Bình Thuận, với phương châm “mặt bằng có tới đâu, thi công tới đó”, các nhà thầu luôn bám sát hiện trường, chủ động phương án thi công nhằm tận dụng tối đa thời gian.

Đây là một trong những giải pháp giúp tỷ lệ giải ngân tại Bình Thuận có nhiều khởi sắc. Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận, kết quả giải ngân đến nay đạt 33,43% kế hoạch, tăng 12,49% so với cùng kỳ năm 2021. Ước giải ngân đến ngày 30/6 đạt khoảng 45,09% kế hoạch. Có 9 chủ đầu tư giải ngân trên 50% kế hoạch vốn. Về tình hình thực hiện giải ngân 9 công trình trọng điểm của Tỉnh, kết quả đến ngày 31/5 đạt 106 tỷ đồng, đạt 18,45% kế hoạch, ước giải ngân đến ngày 30/6/2022 đạt 25% kế hoạch.

UBND tỉnh Bình Thuận đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu..., đẩy nhanh công tác nghiệm thu, quyết toán, không để dồn đến cuối năm. Chủ động rà soát tiến độ giải ngân của từng dự án để kịp thời có phương án xử lý, cắt giảm, điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, bảo đảm hiệu quả vốn đầu tư.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện Ban QLDA các công trình giao thông, Ban QLDA ĐTXD các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận đều nhận định, việc áp dụng rộng rãi đấu thầu qua mạng, chuẩn hóa quá trình lập hồ sơ mời thầu là yếu tố quan trọng đẩy nhanh quá trình lựa chọn nhà thầu, nâng cao hiệu quả, tính khách quan.

Bên cạnh đó, Kho bạc Nhà nước Bình Thuận đã linh hoạt triển khai phương thức “thanh toán trước, kiểm soát sau” cho từng lần giải ngân (bao gồm tạm ứng hoặc thanh toán khối lượng hoàn thành). Khi giá trị giải ngân đạt 80% giá trị hợp đồng thì chuyển sang “kiểm soát trước, thanh toán sau” cho các lần giải ngân kế tiếp đến khi thanh toán hết giá trị hợp đồng và thời hạn kiểm soát.

Chuyên đề