Ảnh minh họa. |
Giá điện tăng, chồng chất thêm khó khăn
Sau hơn 2 năm giữ giá ổn định, từ ngày 1/12, giá bán lẻ điện bình quân tăng lên mức hơn 1.720 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT), tương đương tăng 6,08% so với giá bán hiện hành. Mặc dù so với mức tăng 7,5% của đợt điều chỉnh lần trước (vào tháng 3/2015), mức tăng lần này thấp hơn nhưng với những doanh nghiệp sản xuất sử dụng nhiều điện năng, đặc biệt các doanh nghiệp sản xuất XM thì việc điều chỉnh tăng 6,08% cũng khiến doanh nghiệp phải chi trả thêm vài trăm triệu, thậm chí vài chục tỷ đồng tiền điện mỗi tháng.
Ông Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết: Giá điện tăng sẽ tác động tăng chi phí đầu vào cho ngành sản xuất XM. Các doanh nghiệp XM hiện đang đứng vào thế khó khi chi phí sản xuất tăng nhưng giá bán XM lại giảm do XM dư cung lớn.
Theo ghi nhận của phóng viên, hàng loạt các doanh nghiệp XM, mặc dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần đón nhận đợt tăng giá điện lần này nhưng mức tăng 6,08% vào thời điểm cuối năm khiến nhiều doanh nghiệp vô cùng lo lắng bởi chặng đua tiêu thụ để về đích kế hoạch năm 2017 đang trong giai đoạn nước rút, so với đầu năm 2017 thì đến cuối năm 2017 giá bán XM đã giảm 100.000 đ/tấn, giá xuất khẩu XM cũng giảm do cạnh tranh từ thị trường XM Trung Quốc, Thái Lan…
Chủ tịch Hội đồng thành viên VICEM Lương Quang Khải cho biết: Doanh nghiệp đã chủ động đón nhận việc tăng giá điện nhưng 4-5 năm nay giá XM không tăng, thậm chí năm nay giá bán XM còn giảm thì việc tăng chi phí sản xuất đầu vào, đặc biệt tăng giá điện sẽ khiến cho toàn ngành XM đối diện với nhiều khó khăn.
Một phép tính đơn giản, mỗi tấn XM tiêu thụ khoảng 90 kwh điện, mỗi tháng VICEM sản xuất hơn 2 triệu tấn XM thì toàn VICEM sẽ phải chi trả 305 tỷ đồng/tháng tiền điện. Với khung giá mới, mỗi tháng Tổng Cty sẽ phải trả thêm 18,5 tỷ đồng tiện điện nữa. Giá điện tăng trong khi giá bán không tăng, doanh thu của VICEM sẽ giảm khoảng 200 tỷ đồng/năm.
Là ngành sử dụng nhiều điện năng, tính trung bình với mức tiêu thụ 100 kwh điện/tấn XM thì với sản lượng 86 triệu tấn XM, tổng mức tiêu thụ điện năng cho sản xuất XM ước khoảng 8,6 tỷ kWh điện. Và nếu tất cả đều tiết kiệm điện năng ở mức 90kwh/tấn XM như VICEM thì toàn ngành sẽ tiêu thụ khoảng 7,74 tỷ kWh điện. Một phép tính lớn hơn cho toàn ngành XM, hiện tổng công suất toàn ngành XM lên tới 86 triệu tấn, giá bán XM không tăng thì trung bình toàn ngành XM sẽ giảm gần 800 tỷ đồng doanh thu mỗi năm khi giá điện tăng.
Giải pháp nào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp?
Với VICEM, việc rà soát chi phí sản xuất và tiết kiệm chi phí sản xuất đã được làm triệt để và quyết liệt từ vài năm nay. Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn đó là điều sống còn của doanh nghiệp. Nói như ông Khải, sử dụng tối đa các giải pháp nhằm tiết kiệm chi phí hàng nghìn tỷ đồng, nâng cao chất lượng sản phẩm mà chi phí sản xuất vẫn giữ vững mặc dù giá nguyên liệu đầu vào không ngừng tăng thì mới giữ được thị trường.
Chủ tịch Hiệp hội Xi măng cho hay: Cuộc cạnh tranh khốc liệt này sẽ loại bỏ những doanh nghiệp làm ăn yếu kém, kinh doanh thua lỗ, những nhà máy XM sử dụng công nghệ cũ lạc hậu, buộc các doanh nghiệp phải tiết giảm và tiết kiệm chi phí sản xuất, đặc biệt thúc đẩy chương trình tận dụng nhiệt thừa để phát điện trong ngành XM phát triển.
Đi đầu trong ứng dụng công nghệ tận dụng nhiệt thừa để phát điện phải kể đến Holcim Việt Nam và VICEM. Holcim Việt Nam đã đầu tư 18 triệu USD xây dựng trạm phát điện tận dụng nhiệt thừa để phát điện, đáp ứng 25% nhu cầu điện năng cho toàn bộ Nhà máy Hòn Chông (Kiên Giang), giảm phát thải khoảng 25.300 tấn CO2/năm. VICEM cũng đang quyết liệt triển khai xây dựng hệ thống tận dụng nhiệt thừa khí thải để phát điện ở các nhà máy sản xuất XM.
Dự án khoa học công nghệ tại Nhà máy Xi măng Hà Tiên 2 (NEDO tài trợ) tận dụng nhiệt thừa để phát điện đã được triển khai thành công. Hiện, VICEM đang tích cực triển khai chương trình này, khâu khảo sát đã xong và các nhà máy sẽ chủ động triển khai.
Đối với những nhà máy XM mới xây dựng, yêu cầu đầu tư hệ thống tận dụng nhiệt thừa để phát điện được làm đồng thời khi xây dựng nhà máy. Nhưng với những nhà máy đã hoạt động nhiều năm, việc xây dựng thêm hệ thống nhiệt thừa gặp khó khăn bởi doanh nghiệp sẽ phải dừng lò để lắp ráp thiết bị, nhưng khó nhất vẫn là vốn. Doanh nghiệp XM không được ưu tiên vay vốn xây dựng hệ thống này. Muốn đầu tư hệ thống tận dụng nhiệt thừa để phát điện doanh nghiệp phải vay lãi suất thương mại, trong khi suất đầu tư khá cao nếu 100% thiết bị nhập từ nước ngoài.
Ông Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội XM cho biết: Hy vọng sang năm vấn đề về vốn để xây dựng hệ thống nhiệt thừa sẽ được tháo gỡ nếu Chính phủ ủng hộ phê duyệt kế hoạch vay vốn từ WB.
Bên cạnh việc tận dụng nhiệt thừa để phát điện, các doanh nghiệp sản xuất XM cũng cần áp dụng những giải pháp tiết kiệm năng lượng từ các công đoạn sản xuất và các thiết bị khác trong dây chuyền.