Giá dầu lại giảm sốc gần 5% vì OPEC+ nâng sản lượng

0:00 / 0:00
0:00
Giá dầu thế giới sụt gần 5% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (6/4), do ảnh hưởng của quyết định nâng sản lượng của OPEC+...
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Giá dầu thế giới sụt gần 5% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (6/4), do ảnh hưởng của quyết định nâng sản lượng mà nhóm OPEC+ đưa ra trong tuần trước. Những dấu hiệu về sự khởi sắc mạnh mẽ của kinh tế Mỹ không thể ngăn đà trượt của giá "vàng đen".

Hôm thứ Năm, OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số nước sản xuất dầu ngoài khối, nhất trí nâng sản lượng khai thác dầu trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 7. Ngoài ra, Iran - một thành viên OPEC được miễn cắt giảm sản lượng - cũng đang tăng nguồn cung dầu.

"Thời điểm của quyết định này là không tốt đối với giá dầu", chuyên gia Bob Yawger thuộc Mizuho Securities nhận định. "Thị trường cứ ngỡ OPEC+ sẽ giữ nguyên mức sản lượng, nhưng rồi họ lại tăng. Giờ đây, ít nhất OPEC+ sẽ phải trả giá trong ngắn hạn".

Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London giảm 3,08 USD/thùng, tương đương giảm 4,8%, còn 61,78 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York sụt 2,08 USD/thùng, tương đương mất 4,6%, còn 58,65 USD/thùng.

Trong một diễn biến khác có thể dẫn tới việc tăng sản lượng dầu, Mỹ và Iran bắt đầu có những bước tiến đàm phán gián tiếp về khôi phục thỏa thuận hạt nhân 2015.

"Nhiều người cho rằng điều này có thể dẫn tới sự gia tăng mạnh mẽ của nguồn cung dầu từ Iran", nhà phân tích Phil Flynn thuộc Price Futures Group nhận định. "Nhưng tôi cho rằng mọi người đang hơi thổi phồng một chút".

Nhà phân tích Henry Rome thuộc Eurasia cho ằng lệnh trừng phạt của Mỹ, bao gồm hạn chế đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Iran, sẽ chỉ được dỡ một khi đàm phán hoàn tất và Iran quay trở lại tuân thủ đúng thỏa thuận. Iran gần đây xuất khẩu mạnh dầu sang Trung Quốc, bất chấp lệnh trừng phạt.

Giá dầu thế giới đã hồi phục sau khi giảm về ngưỡng âm lần đầu tiên trong lịch sử vào năm ngoái. Đây là kết quả nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC+ và triển vọng sáng lên của kinh tế toàn cầu. Nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc trong nửa sau của năm nay, nhưng làn sóng Covid-19 thứ ba ở châu Âu đang khiến một số nhà đầu tư lo ngại.

Chuyên đề