Lao động phi chính thức không có quyền lợi bảo hiểm xã hội. Ảnh minh họa:Ngọc Thành |
Ngày 4/10, lần đầu tiên Tổng cục Thống kê công bố khảo sát về lao động phi chính thức. Theo bà Nguyễn Thị Xuân Mai - Vụ trưởng Vụ Dân số và Lao động (Tổng cục thống kê), lực lượng lao động phi chính thức (làm việc mùa vụ, tự do, ngắn hạn) tăng từ 16,8 triệu người năm 2014 lên 18 triệu người năm 2016 (chiếm 57% tổng số lao động).
Phần lớn lao động phi chính thức tập trung ở nông thôn, nơi có nhiều làng nghề truyền thống, các hộ kinh doanh cá thể. Tiền lương bình quân của những người này là 3,9 triệu đồng mỗi tháng, trong khi lao động có hợp đồng là 6,7 triệu đồng.
Hầu hết lao động phi chính thức không được đóng bảo hiểm xã hội (chiếm 97%), đóng bảo hiểm tự nguyện đạt 1,9%.
Theo bà Mai, 76 % lao động phi chính thức làm việc mà không có bất cứ một hợp đồng lao động bằng văn bản liên quan đến công việc đang làm. Cụ thể, 62% lao động phi chính thức chỉ thỏa thuận miêng với chủ lao động, 14% không có bất cứ một thỏa thuận nào.
Ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng khoa học lao động xã hội, cho biết thêm không chỉ lao động tự do, mà nhiều lao động có hợp đồng ngắn hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức chính thức cũng không được đóng bảo hiểm xã hội
"Nhóm yếu thế chất lượng lao động thấp, làm công việc giản đơn như chế biến, chế tạo, sửa chữa... có thu nhập thấp và không được ký kết hợp đồng để đảm bảo an sinh, đòi hỏi Nhà nước có biện pháp", ông Vinh nói.