Chúng ta nên khuyến khích thu hút FDI phát triển điện sạch như điện gió, điện mặt trời, tương lai là điện thủy triều. |
Dù vẫn còn những phân vân giữa được và mất, song mở cửa thu hút FDI chính là một trong những quyết định sáng suốt góp phần đưa Việt Nam từ một nước nghèo, lạc hậu trở thành một trong những điểm sáng kinh tế của khu vực.
Vượt qua thử thách
Nhớ lại những ngày tháng khi mới mở cửa đón FDI, GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (SCCI) kể: “Có 3 người tham gia đầu tiên trong công cuộc mở đường cho FDI vào Việt Nam lúc bấy giờ là ông Đậu Ngọc Xuân (Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư), ông Võ Đông Giang (Bộ trưởng, Phó Chủ nhiệm) và tôi là người thứ ba. Lúc đó, chúng tôi chưa biết nhiều về FDI. Để khắc phục nhược điểm đó thì tốt nhất là phải học. Sau khi “xin” được dự án đào tạo của tổ chức quốc tế (UNDP), cứ đến thứ Bảy, từ cán bộ lãnh đạo đến chuyên viên đều ngồi học một cách nghiêm túc, cầu thị”.
Ông Mại cho biết, sau khi Luật Đầu tư nước ngoài ra đời, ba năm đầu (1988 - 1990), FDI chưa tác động rõ rệt đến tình hình kinh tế - xã hội nước ta. Trong ba năm đó, Việt Nam chỉ thu hút được chưa đến 1 tỷ USD vốn thực hiện, phần lớn là dự án quy mô nhỏ.
Ngay đến thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Mại tỏ ra băn khoăn khi vẫn có khá nhiều luồng ý kiến không mấy tích cực về FDI. Thậm chí, đáng buồn là trong đó có nhiều người là chuyên gia kinh tế.
Họ cho rằng FDI tác động không nhiều tới tăng trưởng kinh tế, đóng góp vào ngân sách nhà nước, làm nảy sinh một số vấn đề như chỉ có 5-6% là công nghệ hiện đại, phần lớn là công nghệ trung bình, thậm chí có một số công nghệ lạc hậu; không ít dự án FDI tác động xấu đến môi trường, chuyển giá, trốn thuế, tranh chấp lao động, làm hạn chế sự phát triển của DN trong nước…
Ông Mại nhấn mạnh, nếu chỉ một vài năm đầu mà đưa ra đánh giá như thế là bình thường, nhưng trải qua ba thập niên mà nhận định “một chiều” tiêu cực như vậy thì quả thật đáng tiếc.
Không chỉ riêng DN FDI, cả DN trong nước cũng vướng phải mặt trái như trốn thuế, gây ô nhiễm môi trường… Đã là DN theo nền kinh tế thị trường thì họ sẽ tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi cách. Môi trường kinh doanh là phải chấp nhận điều đó, quan trọng là nhà quản lý điều hành thế nào.
Thu hút FDI là một kênh, chứ không phải là duy nhất về chuyển giao công nghệ. Cũng cần lưu ý rằng, không một nhà đầu tư nước ngoài nào sẵn sàng chuyển giao công nghệ, kỹ năng nghề nghiệp, nếu điều đó không có lợi cho họ. Chỉ khi nào nước nhận đầu tư có chính sách hấp dẫn và có phương thức để cán bộ khoa học, công nghệ học hỏi, tiếp thu, chuyển dần thành công nghệ của nước mình, thì mới có kết quả.
Thay đổi để có dòng vốn xanh
30 năm thu hút FDI vừa qua có thể phân chia làm 3 giai đoạn. Từ 1991 - 2000 có khoảng 15,2 tỷ USD vốn thực hiện. 2001 - 2010 có hơn 50 tỷ USD vốn thực hiện. Gộp 2 giai đoạn này (hơn 20 năm) chỉ được hơn 40% vốn thực hiện trong tổng số hơn 160 tỷ USD thực hiện trong 30 năm.
Còn lại giai đoạn 2011 - 2017 xấp xỉ 60% vốn thực hiện trong tổng số nói trên. Đáng lẽ đón nguồn vốn khổng lồ như vậy thì chúng ta cũng cần thay đổi chính sách cho phù hợp, nhưng thực tế lại không được như vậy.
Bên cạnh đó, việc thu hút FDI phụ thuộc rất nhiều vào bối cảnh quốc tế. Trước đây, không ai nghĩ Việt Nam có thể cạnh tranh với Trung Quốc trong việc thu hút FDI, nhưng giờ thì khác. Việt Nam và Indonesia là hai nước đứng đầu trong việc nhận vốn FDI chuyển ra khỏi Trung Quốc. Vậy cần làm gì để có thể tận dụng được những thay đổi này?
“Tôi nhấn mạnh, việc thay đổi định hướng là rất quan trọng”, ông Mại nói. Ngoài ra, còn một vấn đề nữa cũng cần được đề cập. Đó là thời gian vừa qua, chúng ta chấp nhận cả những dự án FDI có giá trị khoảng vài ba trăm nghìn, 1 - 2 triệu USD.
“Số dự án nhỏ quá nhiều nhưng tại sao vẫn cứ được chấp nhận? Việc thu hút FDI quy mô nhỏ như vậy là không cần thiết. Những dự án quy mô nhỏ mà công nghệ, dịch vụ hiện đại, hay dịch vụ tư vấn đầu tư, tư vấn luật thì có thể chấp nhận. Còn những dự án nhỏ như trong lĩnh vực công nghiệp thì nên để các DN Việt Nam làm, cần gì phải thu hút FDI?”, ông Mại nói.
Nhìn vào thu hút FDI năm 2017, ông Nguyễn Mại chỉ ra: “Tổng vốn đầu tư đăng ký trên 20 tỷ USD, nhưng các dự án BOT nhiệt điện chiếm đến hơn 7 tỷ USD (tương đương 30%).
Đây rõ ràng là câu chuyện đáng bàn, bởi phát triển nhiệt điện sẽ khó đảm bảo tăng trưởng xanh gắn với yêu cầu giảm khí nhà kính. Bởi vậy, FDI vào lĩnh vực nhiệt điện cần cân nhắc, chứ không nên khuyến khích. Thay vào đó, chúng ta nên khuyến khích thu hút các nhà đầu tư nước ngoài phát triển điện sạch như điện gió, điện mặt trời, tương lai là điện thủy triều.
Ông Nguyễn Mại nhấn mạnh thêm: “Vấn đề đặt ra là làm sao trong thời gian tới Việt Nam thu hút được các nhà đầu tư từ Mỹ và châu Âu. Nhiều năm qua, đứng đầu trong danh sách FDI vào Việt Nam vẫn là các nước quen thuộc như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Việc thu hút FDI cũng cần chuyển từ thế bị động sang chủ động. Nhà nước cũng như các địa phương cần chủ động thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực ưu tiên, thay vì chờ đợi nhà đầu tư đến Việt Nam” - ông Mại nói.