Từ cuối năm 2015 đến nay, EEMC đã “độc quyền” trúng thầu cung cấp MBA 220kV-250MVA hàng trăm tỷ đồng. Ảnh: Quang Thắng |
Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ có duy nhất 1 nhà sản xuất chế tạo và cung cấp được máy biến áp 220kV-250MVA. Điều này khiến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gặp khó khăn trong mua sắm loại hàng hóa này.
EEMC “độc quyền” cung cấp MBA 220kV-250MVA
Theo EVN, trong giai đoạn 2015 - 2017, Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh – CTCP (EEMC) đã được EVN giao chế tạo, cung cấp máy biến áp (MBA) 220kV-250MVA cho các đơn vị thành viên của EVN trên cơ sở nội dung Văn bản số 594/TTg-KTN ngày 6/4/2016 của Chính phủ, đảm bảo đáp ứng yêu cầu vận hành đối với các công trình lưới điện.
Được biết, năm 2015, nhóm nghiên cứu của EEMC đã chế tạo thành công MBA 220kV công suất đến 250 MVA đạt tiêu chuẩn thử nghiệm quốc tế.
Thời điểm này, EEMC là nhà sản xuất trong nước duy nhất chế tạo, cung cấp MBA 220kV-250MVA. Trong giai đoạn 2016 - 2017 vừa qua, trên thị trường Việt Nam vẫn chưa xuất hiện Nhà sản xuất MBA có cấp điện áp từ 220kV trở lên nào ngoài EEMC. Chính vì vậy, với cơ chế tại Văn bản số 594/TTg-KTN, trong giai đoạn này, EEMC đã trúng thầu một số gói thầu cung cấp MBA 220kV-250MVA với các hình thức trong trường hợp đặc biệt trong nước, chỉ định thầu.
Theo đó, sơ bộ từ cuối năm 2015 đến nay, với 2 hình thức lựa chọn nhà thầu này, EEMC đã “độc quyền” trúng thầu cung cấp MBA 220kV-250MVA với tổng trị giá ít nhất gần 270 tỷ đồng. Tuy vậy, Văn bản số 594/TTg-KTN hết hiệu lực sau ngày 31/12/2017 và EVN sẽ không thể tiếp tục giao EEMC sản xuất MBA 220kV cho các đơn vị thành viên.
Thoái vốn để EEMC tham gia đấu thầu độc lập
EVN cho biết, khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, đối với một số lĩnh vực nhất định sẽ không được ưu đãi cho nhà thầu trong nước.
Đối với các gói thầu mua sắm MBA có cấp điện áp từ 220kV trở lên của các đơn vị thành viên EVN, sử dụng nguồn vốn trong nước, EEMC vẫn có thể tham gia đấu thầu được. Tuy nhiên, do chỉ có duy nhất EEMC là nhà sản xuất MBA 220kV trở lên trong nước có đủ năng lực, kinh nghiệm để tham gia đấu thầu nên việc tổ chức lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước sẽ không đảm bảo tính cạnh tranh. Bên cạnh đó, EVN cho rằng, do MBA có cấp điện áp từ 220kV trở lên thuộc danh mục hàng hóa trong nước sản xuất được nên theo quy định của Luật Đấu thầu, việc áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế cũng không phù hợp.
Đối với việc tham gia các gói thầu mua sắm MBA sử dụng vốn ODA, EVN cần phải thực hiện thoái vốn tại EEMC để đảm bảo tư cách độc lập của nhà thầu.
Để tháo gỡ vướng mắc cho EEMC giai đoạn từ năm 2018 trở đi cũng như giúp EVN có đủ cơ sở pháp lý để lập phương án mua sắm MBA có cấp điện áp từ 220kV trở lên, EVN vừa có văn bản gửi các bộ (Công Thương; Kế hoạch và Đầu tư) đề nghị cung cấp các thông tin về các FTA song, đa phương mà Việt Nam tham gia để EEMC có thể tham gia đấu thầu cung cấp MBA.
Theo đó, trên cơ sở danh mục một số lĩnh vực hàng hóa không được ưu đãi cho nhà thầu trong nước tại các FTA song, đa phương mà Việt Nam tham gia, có hiệu lực từ năm 2018, EVN đặt vấn đề “sản phẩm MBA có cấp điện áp từ 220kV trở lên thuộc các nhà sản xuất của các quốc gia/tổ chức tham gia các FTA nêu trên có trong danh mục và được áp dụng không”?
“Trường hợp sản phẩm MBA có cấp điện áp từ 220kV trở lên là hạng mục không ưu đãi đối với nhà thầu/nhà sản xuất trong nước, EVN đề nghị các bộ có hướng dẫn về việc có thể tổ chức đấu thầu trong nước đối với sản phẩm MBA có cấp điện áp từ 220kV trở lên giữa EEMC và các nhà sản xuất MBA thuộc các nước tham gia các FTA song, đa phương với Việt Nam trên cơ sở tuân thủ các quy định hiện hành và các FTA của Việt Nam” – EVN đề xuất.