Đại diện Liên minh châu Âu, Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) và Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp về cơ hội từ EVFTA và IPA. Ảnh Minh Thủy. |
Kết nối cơ hội kinh doanh hai bờ đại dương
Tại cuộc đối thoại về cơ hội cho các DN diễn ra sau 1 ngày ký kết hiệp định EVFTA và IPA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, bà Cecila Malmstrom, Cao uỷ thương mại của EU khẳng định, EVFTA là hiệp định tham vọng nhất mà EU ký với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Khi thỏa thuận có hiệu lực, EU sẽ dỡ bỏ 85% thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam trong những năm đầu tiên, và dần dần cắt giảm phần thuế còn lại trong 7 năm tới. Việt Nam sẽ dỡ bỏ 49% thuế nhập khẩu đối với hàng xuất khẩu của EU, phần thuế còn lại sẽ được loại bỏ trong vòng 10 năm. Các mặt hàng xuất khẩu chính từ Việt Nam sang EU bao gồm điện thoại, giày dép, nông sản, dệt may...Việt Nam nhập khẩu từ các quốc gia EU gồm có: máy móc và thiết bị công nghệ cao, ô tô, máy bay, phương tiện và dược phẩm...
Ông Nicolas Audier, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) cho biết, EVFTA mang đến nhiều cơ hội tích cực cho DN nhỏ và vừa, chứ không chỉ có các tập đoàn lớn xuyên quốc gia. Thỏa thuận chung của Hiệp định còn đảm bảo sự công bằng cho Việt Nam trong đó có quy định về lộ trình để DN Việt Nam kịp thời chuyển đổi và lớn lên. Ngoài ra, EU đã và đang tiếp tục có các chương trình hỗ trợ kỹ thuật để giúp DN Việt Nam nâng cao năng lực.thể
Kết quả khảo sát năm 2018 từ 130 DN thành viên của EuroCham cho thấy, có gần 80% DN cho rằng EVFTA sẽ có tác động "đáng kể" hoặc "tương đối" đối với việc kinh doanh của họ trong trung hạn và dài hạn. Hơn 90% DN tin tưởng rằng Hiệp định sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam cạnh tranh hơn, 72% cho rằng nó sẽ giúp Việt Nam trở thành điểm đến của các DN EU tại ASEAN.
Chia sẻ với Báo Đấu thầu bên lề Cuộc đối thoại, ông Brian David Hull, Tổng giám đốc Công ty TNHH ABB cho biết: “Chúng tôi không chỉ có nhiều cơ hội cung cấp thiết bị cho các nhà đầu tư EU khi họ đặt cơ sở sản xuất tại Việt Nam mà còn đối với DN Việt Nam. DN Việt Nam muốn xuất khẩu sang thị trường EU thì phải có dây chuyền công nghệ đáp ứng chuẩn mực tiêu dùng của EU. Do vậy, chúng tôi cũng có cơ hội cung cấp các thiết bị hiện đại để giúp họ cải thiện hiệu suất sản xuất. Năm ngoái, ABB đã thành lập Trung tâm Dịch vụ và kỹ thuật robot tại Bắc Ninh. Sắp tới, ABB sẽ tiếp tục mở rộng trung tâm này và xây dựng thêm trung tâm thứ hai tại khu vực phía Nam”.
Mặc dù 2 hai hiệp định EVFTA và IPA được cho là những hiệp định thế hệ mới, có tiêu chuẩn cao nhất từ trước đến nay, nhưng theo khẳng định của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thách thức không quá nghiêm trọng, DN không nên quá lo lắng. Việt Nam đã mở cửa cho các DN nước ngoài, dù chúng ta không mở cửa cho các DN EU thì chúng ta vẫn có sức ép cạnh tranh trên sân nhà. Nhiều sản phẩm xuất khẩu của hai bên không có sự cạnh tranh trực tiếp. Hơn nữa, DN Việt Nam có lộ trình 3 năm, 5 năm, thậm chí 7 năm... để vươn lên, bắt kịp với tiêu chuẩn của EU.
Đồng thuận với quan điểm này, dưới góc độ quản lý nhà nước, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, nhìn vào cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam và EU có tính bổ sung cho nhau, thay vì cạnh tranh. Thị trường của 28 quốc gia thành viên EU có sản phẩm đặc thù với những ngành kinh tế mũi nhọn, nên dung lượng thị trường EU cho DN Việt Nam khai thác và hình thành chuỗi giá trị là rất lớn.
“Do đó, DN VN cần nghiên cứu và chuẩn bị kỹ lưỡng từng nhóm ngành hàng cụ thể để tận dụng cơ hội một cách toàn diện. Các sản phẩm từ nông sản, thủy sản của Việt Nam không chỉ mang lại giá trị, mà còn tạo điều kiện cho DN liên kết các khu vực tạo thành chuỗi; cải thiện công nghệ, nâng cao năng suất lao động... Các DN cần nâng cao công tác xây dựng thương hiệu. Hiện có 39 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, các DN cần tận dụng cơ hội để mang lại giá trị gia tăng cao”, ông Trần Tuấn Anh khuyến nghị.
Tạo động lực cải cách thể chế của Việt Nam
Tuy vậy, theo ông Lộc, DN Việt Nam sẽ phải đối mặt với một số thách thức chủ yếu như tuân thủ quy tắc xuất xứ; áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao; vệ sinh dịch tễ; chi phí tuân thủ, yêu cầu cao về môi trường, phát triển bền vững... Trong khi đó, phần lớn DN VN là DN nhỏ và vừa, nên rất cần sự hỗ trợ của phía EU để giúp họ nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhưng rào cản trước mắt là làm thế nào để DN Việt Nam hiểu được những nội dung cụ thể Hiệp định để biết tận dụng các cơ hội thị trường.
Mặc dù khá tự tin trong lĩnh vực công nghệ phần mềm, nhưng một DN Việt Nam cho biết, đây mới chỉ là những thông tin đầu tiên về EVFTA/IPA mà DN tiếp cận được. Các bên nói rất nhiều về cơ hội, nhưng điều quan trọng là làm thế nào DN, người dân hiểu được tầm quan trọng của các cam kết của EVFTA, từ đó mới có thể đề ra các chiến lược phát triển phù hợp.
Để có thể tận dụng tối đa được các cơ hội, có lẽ các DN cùng ngành nghề phải ngồi lại với nhau để nghiên cứu kỹ, đề xuất giải pháp hợp tác. Khi các hiệp định có hiệu lực, các DN hai bờ Thái Bình Dương và Đại Tây Dương sẽ vào Việt Nam với các tập đoàn lớn xuyên quốc gia. Tuy nhiên, không nên xem họ là đối thủ cạnh tranh, mà phải xem như đối tác làm ăn tiềm năng. Amazon, Facebook, Microsoft... là một ví dụ. Để nắm bắt cơ hội, điều quan trọng hơn hết vẫn là là sự nỗ lực của chính các DN Việt Nam.
Ở khía cạnh khác, đại diện một DN chuyên hoạt động trong lĩnh vực lương thực lại cho rằng, muốn chiếm lĩnh thị trường EU, các DN Việt Nam cần nâng cao giá trị gia tăng và đa dạng hóa sản phẩm thì mới có thể cạnh tranh được với các quốc gia láng giềng...
“Ký kết EVFTA cũng như CPTPP nhằm khơi thông thị trường. Nhưng để tận dụng được thị trường thì chúng ta cần thoáng về thể chế. Hội nhập ra biển lớn mà "bó tay, bó chân", thủ tục phiền toái thì không thể làm gì được. Một yêu cầu bức thiết khác là DN cần nâng cấp quản trị, bởi ¾ DN VN là hộ gia đình với năng lực quản trị yếu. 70 – 80% DN đang tìm giám đốc điều hành cho thấy nhu cầu cấp bách về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Sở hữu những trường đại học hàng đầu thế giới, hi vọng EU có thể hỗ trợ Việt Nam trong cải cách thể chế, nâng cấp DN thông qua những chương trình hành động cụ thể”, ông Lộc nhấn mạnh.
Theo ông Trần Tuấn Anh, những nội dung cam kết của EVFTA hàm chứa động lực phát triển trong nhiều năm tới về cải cách pháp luật và cơ chế quản lý, vấn đề quan trọng là thực thi. Thực thi càng sớm thì hiệu quả cho người dân và DN càng cao. Do đó, cần sớm nội luật hóa theo hướng cải cách, kiến tạo đảm bảo tính minh bạch, công khai và có thể tiên liệu trước.