Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: VGP |
Chiều ngày 4/12, tại TPHCM, Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính đã tổ chức Hội nghị đối thoại lần thứ 2 với doanh nghiệp (DN) để tổng hợp các vướng mắc, xử lý các phản ánh và kiến nghị về khó khăn trong hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh. Đây cũng là hội nghị đầu tiên do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) của Hội đồng tư vấn chủ trì, sau khi Thủ tướng có quyết định bổ sung thành viên Hội đồng tư vấn và Chủ tịch Hội đồng có quyết định thành lập Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân.
Hội nghị đối thoại DN là một trong những nội dung nhằm góp phần cải cách các cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính cho DN. Nội dung chính của Hội nghị tập trung vào các chủ điểm: Nông nghiệp, du lịch, kinh tế số, khởi nghiệp và sáng tạo, tài chính và vốn, đặc biệt là lắng nghe tiếng nói của nhóm doanh nghiệp trẻ, DN khu vực phía nam.
Cùng tham gia giải đáp, phản hồi các thắc mắc của giới doanh nghiệp là đại diện của các bộ, ban ngành như: Công Thương, Công an, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư Pháp, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngân hàng nhà nước Việt Nam; các đại biểu đến từ các tỉnh Bình Dương, Bình Thuận, Long An, Tiền Giang và TPHCM.
Ngay trước thềm của Hội nghị, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân đã thực hiện một khảo sát quan trọng với hai nội dung lớn về những rào cản chủ yếu với DN và đánh giá của DN nói chung về việc tháo gỡ các rào cản ấy từ phía Chính phủ.
Khoảng 100 DN đã hồi đáp khảo sát với những thông tin khá tập trung. Theo đó 73% DN cho rằng mối quan tâm lớn nhất hiện nay là thủ tục hành chính quá rườm rà; 64% DN cho hay thái độ giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan công quyền cũng là điểm vướng mắc lớn. Tiếp đó là sự chồng chéo giữa những cơ quan thực thi của các bộ ngành. Trong đó vướng mắc cụ thể nhất và được nhiều DN đề cập nhất là thủ tục xuất nhập khẩu.
Theo Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng tư vấn Cải cách Thủ tục hành chính, khảo sát này cho thấy DN đánh giá tích cực về trọng tâm cải cách của Chính phủ, đặc biệt là về Hội nhập quốc tế nhưng “vẫn phải nhìn nhận thực trạng là vẫn còn vấn đề chồng chéo, chia sẻ thông tin, tiếp cận cán bộ công vụ …”.
Bộ trưởng cho hay vừa qua tổ công tác của Thủ tướng đã đi sâu làm việc với các bộ ngành, các tập đoàn, cơ quan thuế, hải quan. “Con số mỗi năm DN phải bỏ ra 30 triệu ngày công và 15 nghìn tỷ đồng cho các thủ tục này (theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương) như vậy là quá lớn. Trong khi đó hầu như cả trăm nghìn mặt hàng đều phải kiểm tra chuyên ngành nhưng tỉ lệ phát hiện vi phạm rất thấp, chỉ 0,6%. Điều này cho thấy hiệu quả kiểm tra chuyên ngành có vấn đề”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định.
Ảnh: VGP
Thực tế, từ tháng 8/2017, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành phải cắt giảm hàng loạt thủ tục theo hướng tránh sự chồng chéo, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng quản lý rủi ro… “Còn từ ngày 1/1/2018 tới đây, tất cả các bộ ngành đều sẽ có giải pháp cắt giảm các thủ tục này hết, các DN xuất nhập khẩu sẽ thuận lợi hơn rất nhiều”, Bộ trưởng cho biết thêm.
Người chủ trì Hội nghị đối thoại với DN cũng bày tỏ mong muốn được lắng nghe tất cả ý kiến đóng góp thẳng thắn, xác đáng liên quan đến xây dựng thể chế, chính sách, hoặc phản ánh vướng mắc khó khăn của DN với các bộ, ngành, địa phương, mục tiêu là làm sao giảm chi phí chính thức và phi chính thức cho DN, giảm chi phí logistics cho toàn bộ nền kinh tế.
“Đề nghị các bộ, ngành có trách nhiệm trả lời, làm rõ các vấn đề DN quan tâm đề xuất, nói rõ đang vướng mắc gì, đang gặp khó khăn gì. Tất cả các kiến nghị sẽ được tập hợp báo cáo Thủ tướng. Những nội dung trong thẩm quyền Thủ tướng và các bộ, ngành sẽ được giải quyết ngay, những gì chưa giải quyết được phải được trả lời bằng văn bản trong thời gian sớm nhất. Tất cả ý kiến của DN đều được lắng nghe và trả lời, không loại trừ bất cứ ý kiến nào!”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng tái khẳng định quyết tâm đối thoại ngay trước hội nghị.
Được biết, sau Hội nghị đối thoại lần này, Chính phủ sẽ tổ chức các buổi đối thoại chuyên đề khác với các Hiệp hội DN nước ngoài. Các Hội nghị đối thoại DN là một trong những nội dung nhằm góp phần cải cách các cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính cho DN.
Tinh thần này đã thể hiện qua nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống kinh tế xã hội đã và đang được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Theo Báo cáo Môi trường Kinh doanh năm 2018 của Ngân hàng thế giới, Việt Nam tiếp tục thăng hạng về môi trường kinh doanh khi xếp hạng 68/190 nền kinh tế, tăng 14 bậc so với 2016 (năm 2016 tăng 9 bậc).