Thế khó của DN ngành xi măng

(BĐT) - Nhiều doanh nghiệp xi măng mới thực sự thoát hiểm khi thị trường tăng trưởng trong khoảng 2 năm trở lại đây. Nếu không được Chính phủ “giải cứu” trong giai đoạn 2012 - 2013 thì nhiều dự án đã không thể hoạt động. 
Nếu xuất khẩu khó khăn, thị trường xi măng nội địa sẽ chịu áp lực nặng nề. Ảnh: Nhã Chi
Nếu xuất khẩu khó khăn, thị trường xi măng nội địa sẽ chịu áp lực nặng nề. Ảnh: Nhã Chi

Nguyên nhân chính vẫn là vốn vay tại các dự án quá lớn dẫn đến mất cân đối tài chính khi thị trường xi măng dư thừa. Bên cạnh đó, việc đánh thuế xuất khẩu xi măng cũng đang làm các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này yếu đi.

Vốn vay quá lớn

Trong 16 dự án xi măng được Chính phủ “điểm danh” năm 2012 với tổng  mức đầu tư 61.657 tỷ đồng, chỉ có 9.379 tỷ đồng là vốn chủ sở hữu, có đến 22.778 tỷ đồng là vốn vay được Chính phủ bảo lãnh và 26.553 tỷ đồng là vốn vay khác. Đặc biệt, có dự án 100% là vốn vay như Xi măng Hoàng Mai với 3.295 tỷ đồng. Cùng nằm trong “họ” Vicem, vốn chủ sở hữu của Xi măng Tam Điệp cũng chỉ vẻn vẹn trên 33 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư 3.875 tỷ đồng.

Một số dự án có tổng mức đầu tư “vọt xà” cả nghìn tỷ đồng, đơn cử như Xi măng Cẩm Phả vượt 1.359 tỷ đồng. Đứng đầu trong danh sách này phải kể đến Xi măng Hạ Long với mức vượt gần gấp đôi, từ 3.994 tỷ đồng lên 6.760 tỷ đồng. Dù tổng mức đầu tư lớn nhưng vốn chủ sở hữu của Xi măng Hạ Long chỉ vẻn vẹn 982 tỷ đồng. Ngay cả dự án công nghệ Trung Quốc như Xi măng Sông Thao cũng vượt mức đầu tư ban đầu 761 tỷ đồng.

Không chỉ dừng lại ở vốn vay lớn, đa phần các nhà máy đều chậm tiến độ như: Xi măng Sông Thao chậm 4 năm, Đồng Bành chậm 45 tháng… Việc chậm tiến độ khiến nhiều dự án rơi vào tình trạng mất khả năng trả nợ như: Hạ Long, Thăng Long, Cẩm Phả, Đồng Bành, Sông Thao và Chính phủ buộc phải “giải cứu” các doanh nghiệp này bằng nhiều phương án khác nhau. Giai đoạn 2012 - 2013, Cẩm Phả về với Viettel, Thăng Long bị thâu tóm bởi Semen Gresik (Indonesia), Đồng Bành về The Vissai và đến 2016 Hạ Long và Sông Thao về với Vicem. 

Áp lực cạnh tranh

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tình trạng dự án xi măng của doanh nhiệp này “đẻ” ra rồi các doanh nghiệp khác phải “nuôi”. Trước đó, Xi măng Hoàng Mai là dự án “tay không bắt giặc” của tỉnh Nghệ An có tổng mức đầu tư 3.295 tỷ đồng với 100% là vốn vay được “đẩy” về sân Vicem. Thời điểm đó, Vicem cũng đang “gồng gánh” Xi măng Tam Điệp khi vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 1% trên tổng mức đầu tư. Giai đoạn 2011 - 2014, Vicem cũng gồng mình trả nợ các khoản vay cho các công ty xi măng Tam Điệp, Hoàng Mai, Bút Sơn, Bỉm Sơn, Hoàng Thạch, Hà Tiên, Hải Phòng thêm các khoản vay do đầu tư dự án mới.

Tương tự, The Vissai cũng gánh Xi măng Đồng Bành và Xi măng Đô Lương nên The Vissai không còn con đường nào khác là xuất khẩu. Tuy nhiên, việc đánh thuế xuất khẩu xi măng biến Vissai từ đang lãi thành lỗ. Trong 6 tháng đầu năm, The Vissai xuất khẩu 2 triệu tấn sản phẩm trị giá 120 triệu USD và phải nộp 6 triệu USD thuế xuất khẩu.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn ngành xi măng xuất khẩu gần 11 triệu tấn sản phẩm, thu về 378,5 triệu USD. Sản lượng này cho thấy, xi măng Việt Nam đang phải xuất khẩu bằng mọi giá vì thị trường trong nước đã giảm 1% so với cùng kỳ 2016. Đánh giá về diễn biến của thị trường, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết: “Tháng 6, 7 là mùa xây dựng mà tiêu thụ giảm là không bình thường, thị trường đang có vấn đề”.

Một số doanh nghiệp sản xuất xi măng cho biết, nếu xuất khẩu lỗ nặng thì sản lượng buộc phải dồn về thị trường nội địa. Cuộc chiến giành thị phần liệu có đẩy các doanh nghiệp xi măng vào tình thế “sống dở, chết dở” như năm 2012? Chính phủ còn đủ sức để “giải cứu” các doanh nghiệp ngành này hay không? Xi măng Công Thanh là bài học về “tự bơi” khi đang gánh trên vai khoản nợ 13.763 tỷ đồng cộng với khoản âm 478 tỷ đồng lợi nhuận. Tổng tài sản trên giấy tờ của Xi măng Công Thanh là 14.080 tỷ đồng, nếu so với nợ và lỗ thì công ty này đang trong tình trạng “bán nhà không đủ trả nợ”.

Chuyên đề