Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà, khó tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh trong khi chi phí tăng mạnh. Ảnh: Tiên Giang |
Trao đổi với Báo Đấu thầu, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Thuận Hòa TV (TP. Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) chia sẻ, đến thời điểm này, những khó khăn của DN sau khi trúng đấu giá 1 triệu tấn tro xỉ làm vật liệu san lấp đã cơ bản được tháo gỡ. “Hiện có một số đơn vị đã hỏi mua tro xỉ để làm vật liệu san lấp”, bà Thảo cho hay.
Theo bà Thảo, DN phải đệ đơn “kêu cứu” nhiều nơi và mất nhiều thời gian công sức (khoảng 3 - 4 tháng) mới có kết quả bước đầu. Về nguyên nhân DN gặp khó khăn trong tiêu thụ tro xỉ, bà Thảo cho biết, trước đây là do thiếu đơn giá, định mức, hợp chuẩn, hợp quy. Hiện nay, tro xỉ ở Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải - đơn vị mà Thuận Hòa TV trúng đấu giá đã được Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) công bố hợp chuẩn làm vật liệu san lấp, đồng thời cũng đã có định mức, đơn giá rõ ràng. Tuy nhiên, các công trình, dự án trong tỉnh Trà Vinh khi xây dựng hồ sơ thiết kế chưa xem tro xỉ là vật liệu san lấp như cát để xem xét lựa chọn nên DN gặp khó khăn trong tiêu thụ dù đã trúng đấu giá.
Tại buổi đối thoại giữa chính quyền TP.HCM và các DN, hiệp hội DN trong và ngoài nước vừa diễn ra cách đây ít ngày, nhiều DN chia sẻ họ gặp nhiều khó khăn với thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà, DN mất nguồn kinh phí chạy theo để sửa đổi, đào tạo tốn chi phí...
Theo phản ánh của đại diện Chi hội DN Khu công nghệ cao (SBA) TP.HCM, một số DN có nhu cầu xây dựng thêm hạng mục dịch vụ nhỏ hay công trình phụ trợ như ki ốt, mái che, khu vực để xe, nhà vệ sinh…, nhưng họ gặp nhiều khó khăn do phải chờ lấy ý kiến thanh tra Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và chính quyền địa phương... Bên cạnh đó, thủ tục hành chính kéo dài, qua nhiều quy trình, nhiều cơ quan dẫn tới mất thời gian, tăng chi phí gián tiếp, làm suy giảm niềm tin của DN.
Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, quá trình phục hồi, tăng tốc sản xuất, kinh doanh của các DN xi măng đang gặp một số “lực cản” như giá nhiên liệu (than, dầu) tăng cao, tiêu thụ trong nước cũng gặp khó khăn do tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn hạn chế… “Với tình hình này, nhiều khả năng tăng trưởng của ngành xi măng năm 2022 cũng duy trì bằng mức năm ngoái cho dù dịch Covid-19 đã được kiểm soát, song giá cả đầu vào cùng với nhiều yếu tố bất định lại gia tăng, tác động bất lợi tới sản xuất kinh, doanh của DN”, ông Cung nhấn mạnh.
Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra những khó khăn, thách thức lớn mà DN phải đối mặt trong quá trình phục hồi. Cụ thể, đó là vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết triệt để gây khó khăn cho hoạt động đầu tư; giá nhiên, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao làm tăng chi phí của DN; thiếu hụt lao động cục bộ tại một số nghành nghề, lĩnh vực và chi phí liên quan đến người lao động tăng; khó khăn tiếp cận tín dụng, huy động vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh; tình trạng thiếu linh kiện, nguyên phụ liệu đầu vào để sản xuất; xu hướng giảm đơn hàng trong các tháng cuối năm đang gia tăng.
Nhằm hỗ trợ DN phục hồi, tăng tốc phát triển, thời gian qua, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản, khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ giảm chi phi phí cho DN, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước…
Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ DN chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, trong đó đề xuất 4 nhóm giải pháp ngắn hạn và 4 nhóm giải pháp dài hạn để tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng sự phát triển của DN…