Chắp cánh cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nỗ lực xây dựng và hoàn thiện chính sách để tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng cho khởi nghiệp sáng tạo và tập trung mọi nguồn lực nhằm cung cấp cho thị trường đội ngũ nhân sự ngành bán dẫn chất lượng cao là cam kết cao nhất của chính phủ Việt Nam. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Đó là thông điệp quan trọng tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ trì, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Quỹ đầu tư DoVentures phối hợp tổ chức tại TP.HCM với chủ đề "Chuyển đổi thành quốc gia công nghệ cao".

Vững vàng trước thách thức

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết, sau hơn 4 năm thành lập, NIC đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động, đồng hành với các đối tác trong nước và quốc tế; góp phần đáng kể thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, kết nối với hệ sinh thái các nước.

“Bộ KH&ĐT đã giao NIC triển khai nhiều hoạt động nhằm tạo điều kiện phát triển các loại hình công nghệ và mô hình kinh doanh mới, “chắp cánh” nhiều doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ cao thông qua việc hợp tác với các đối tác tên tuổi như Meta, Google, Siemens, Samsung, JICA, USAID, Cadence, Synopsys, Trường Đại học bang Arizona…”, Thứ trưởng Trần Duy Đông chia sẻ.

Theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2023, Việt Nam tăng hai bậc lên vị trí thứ 46/132 quốc gia và nền kinh tế. Việt Nam cũng được xếp hạng là 1 trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua. Có được kết quả tích cực này, trước hết là nhờ nỗ lực không ngừng của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong công cuộc đổi mới sáng tạo; đồng thời, một phần nhờ sự hợp tác, đồng hành của các nhân tố trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Năm 2023, đầu tư cho đổi mới sáng tạo và công nghệ cao của Việt Nam chứng kiến ​​sự tăng trưởng và phát triển đáng kể khi vượt cơn gió ngược toàn cầu. Theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành Do Ventures, Báo cáo Đầu tư công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 cho thấy, năm 2023, các công ty khởi nghiệp Việt Nam nhận được tổng số vốn đầu tư là 529 triệu USD, giảm 17% so với năm trước. Sự sụt giảm này cho thấy, bối cảnh đầu tư công nghệ tại Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế nhiều biến động trên toàn cầu. Tuy nhiên, so với mức giảm 35% của tổng số vốn đầu tư mạo hiểm trên toàn cầu, mức giảm nhẹ 17% cho thấy thị trường Việt Nam vẫn đang vững vàng trước rất nhiều thách thức trên thị trường vốn.

Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam giữ vững vị trí thứ ba về số lượng thương vụ đầu tư và giành lại vị trí thứ ba về tổng giá trị đầu tư. Singapore dẫn đầu cả về số lượng thương vụ và tổng giá trị đầu tư, theo sau là Indonesia. Đặc biệt, lĩnh vực y tế nhận được số vốn cao kỷ lục, tăng vọt 391% so với cùng kỳ năm trước, trở thành lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất. Lĩnh vực giáo dục cũng nhận số vốn cao nhất từ trước tới nay, tăng 107% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2023, gần 100 quỹ đã rót vốn vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam, trong đó các nhà đầu tư năng động nhất đến từ Singapore, theo sau là các nhà đầu tư Việt Nam.

Sẵn sàng cung ứng 50.000 kỹ sư lĩnh vực bán dẫn

Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Đề án Đào tạo 50.000 kỹ sư trong lĩnh vực bán dẫn nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài, giữa các trường đại học với các doanh nghiệp, tạo điều kiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực của doanh nghiệp Việt Nam. Theo ông Vũ Xuân Hoài, Phó giám đốc NIC, đây là nhiệm vụ hàng đầu hiện nay của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam.

“Bộ KH&ĐT, NIC đã và đang làm việc với hàng loạt trường đại học lớn nhất của cả nước cũng như các trường đại học uy tín trên thế giới nhằm thúc đẩy nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn. Bằng cách đó, Việt Nam không chỉ có thể đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn trở thành nước xuất khẩu bán dẫn lớn, thúc đẩy nền kinh tế và tạo cơ hội việc làm cho người dân. Đặc biệt, Bộ KH&ĐT rất lưu ý các vườn ươm tạo, trung tâm nghiên cứu đặt tại các trường đại học. Theo đó, sẽ có những chính sách đầu tư phù hợp để xóa dần khoảng cách giữa các trường đại học và doanh nghiệp bằng chính đội ngũ sinh viên xuất sắc đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp”, ông Hoài khẳng định.

Từ góc độ nhà đầu tư, theo bà Josephine Koh đến từ APAC &Middle East Carta, cho dù bối cảnh chung của nền kinh tế thế giới có nhiều diễn biến bất lợi trong thời gian qua, nhưng các nhà đầu tư hạt giống vẫn đang kiên trì rót vốn vào doanh nghoepej khởi nghiệp sáng tạo.

“Đối với các nhà sáng lập trẻ của Việt Nam, năm 2024 vẫn là thời điểm rất tốt để có những chuẩn bị kỹ lưỡng các dự án để gọi vốn. Từ hệ thống chính sách hỗ trợ của Chính phủ, chúng tôi tin tưởng vào bản lĩnh, sự năng động của doanh nghiệp sáng tạo Việt Nam. Hiện quỹ APAC &Middle East Carta đang quản lý vốn cho hơn 4.000 doanh nghiệp trên toàn cầu, khả năng tiếp cận vào thị trường Việt Nam của chúng tôi là rất lớn”, bà Josephine Koh cho biết.

Đại diện AC Ventures, bà Helen Wong ghi nhận, Bộ KH&ĐT, NIC đang là những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, thể hiện cam kết nâng tầm hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, thu hút đầu tư và nuôi dưỡng nhân tài của Chính phủ. “Nguồn nhân lực trẻ 50.000 kỹ sư công nghệ, được hỗ trợ của Chính phủ để tiếp cận hiệu quả, thành công công nghệ bán dẫn trong thời gian tới sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, từ đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước”, bà Helen Wong nhận xét.

Chuyên đề