Tổng cục Hải quan sẽ nhân rộng cơ chế một cửa quốc gia. Ảnh minh họa: TTXVN |
Nhiều thủ tục hải quan đã được cung cấp các dịch vụ công trực tuyến ở cấp độ 3 và 4 và cơ chế một cửa quốc gia cũng đang được triển khai mạnh mẽ…
Tuy nhiên, theo một khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) được tiến hành với 3.500 doanh nghiệp đánh giá và phản hồi về hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý hải quan thì 47% doanh nghiệp được hỏi cho biết, họ từng gặp vướng mắc trong quá trình tìm hiểu pháp luật hải quan.
Mặc dù, tỉ lệ này đã giảm đáng kể so với mức 54% của năm 2015 và việc tiếp cận thông tin thủ tục hành chính của ngành hải quan là tương đối dễ dàng.
Đại diện VCCI, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch nhận định, ngành hải quan đã có nhiều nỗ lực cải cách quan trọng theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Bên cạnh những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính nói chung, ngành hải quan còn là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, theo ông Phòng, các quy định về kiểm tra chuyên ngành còn nhiều; trong đó, nhiều quy định không phù hợp thực tế. Thời gian kiểm tra chuyên ngành còn dài, các cơ quan phối hợp chưa tốt trong việc giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp. Đặc biệt, còn nhiều quy định pháp luật phức tạp nên mức độ hài lòng với kết quả phản hồi từ các cơ quan hải quan có sự khác nhau rõ rệt.
Đáng chú ý, kết quả khảo sát cho thấy, trong quá trình thực hiện thủ tục kiểm tra sau thông quan, khó khăn hàng đầu đối với doanh nghiệp là nội dung kiểm tra bị chồng chéo, trùng lặp. Thời gian kiểm tra luôn bị kéo dài hơn so với kế hoạch đã thông báo cho doanh nghiệp.