Ngành logistics vẫn trong tình trạng phí chồng phí do vướng nhiều điều kiện kinh doanh gây khó khăn cho DN. Ảnh Internet |
Chương trình là thông điệp quan trọng của Chính phủ trong việc cam kết cắt giảm chi phí cho DN mà Thủ tướng Chính phủ đau đáu lâu nay.
Chi phí vẫn chồng chi phí
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), DN đang gặp nhiều khó khăn, rào cản trong đầu tư, kinh doanh. Tỷ lệ các DN không phát sinh thuế thu nhập, tức là không có lãi trong nền kinh tế vẫn ở mức 60% mà phần lớn là các DNNVV. Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ ra, trong khi số lượng DN thành lập mới tăng nhanh, thì số DN phải tạm dừng kinh doanh hoặc đóng cửa cũng ở mức cao. Một trong những nguyên nhân cơ bản của thực trạng này là do chi phí kinh doanh ở nước ta hiện đang ở mức cao so với thực tiễn tốt trên thế giới.
Ông Lộc nhấn mạnh, khảo sát thực tế cho thấy, DN vẫn phải gánh chịu nhiều loại chi phí bất hợp lý mà thực tế có nhiều chi phí có thể cắt giảm như chi phí liên quan đến thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Hiện có rất nhiều chi phí kinh doanh ở Việt Nam đang cao hơn so với mức bình quân của khu vực và thế giới. Dẫn chứng câu chuyện chi phí dịch vụ logistics cao, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM chia sẻ: “Đây là vấn đề “nóng” rất lâu rồi, nhưng ngành logistics vẫn trong tình trạng phí chồng phí do vướng nhiều điều kiện kinh doanh gây khó khăn cho DN. Mức độ cạnh tranh của ngành chưa được cải thiện”.
Không đơn thuần chi phí không chính thức cao, Chủ tịch VCCI chia sẻ, theo khảo sát gần đây của VCCI thì chi phí không chính thức không có cải thiện trong những năm gần đây, DN vẫn phải chịu những chi phí không chính thức khá phổ biến.
Trong khi Chính phủ đang sốt ruột với việc cắt giảm chi phí của DN thì gần đây có một số bộ, ngành lại đề xuất “đổi trạm thu phí thành trạm thu giá”, hoặc tăng thuế kịch trần với xăng dầu dường như “thổi” câu chuyện chi phí DN lên cao. Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Lộc chia sẻ: “DN đang rất khó khăn, nên các biện pháp kiềm chế tăng chi phí là rất cần thiết”. Còn ông Cung thẳng thắn: “Trong bối cảnh này, bất cứ một hành động nào gia tăng thêm chi phí cho DN đều là không nên”.
Sớm hành động giảm chi phí cho DN
Để góp phần cắt giảm chi phí cho DN, nâng cao khả năng cạnh tranh và năng suất của nền kinh tế, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị quyết ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho DN, kèm theo đó là Chương trình hành động của Chính phủ về vấn đề này. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ban hành Chương trình hành động, ông Cung cho biết, mục tiêu lớn của Chương trình hành động là ngoài việc giảm chi phí chính thức, thì chúng tôi mong muốn giảm được chi phí không chính thức. Chi phí này chỉ giảm được khi chúng ta thực hiện Chính phủ điện tử, khi đó tất cả những dịch vụ công, thủ tục hành chính đều thực hiện qua điện tử thay cho cách làm truyền thống thông qua gặp gỡ trực tiếp làm nảy sinh chi phí. Với giải pháp này, thời gian tới, các biện pháp về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng cắt bỏ những thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh thiếu minh bạch là rất cần thiết.
Mong mỏi Chương trình hành động cắt giảm chi phí DN sớm được ban hành, ông Lộc cho biết: “Cộng đồng DN Việt Nam đang nóng lòng chờ đợi Chương trình được ban hành. Theo đó, hàng loạt các bộ, ngành đang còn nhiều thủ tục, điều kiện kinh doanh đang tạo rào cản cho DN sẽ phải hành động thực hiện giải pháp cắt giảm ngay chi phí cho DN”. Khi DN phát triển thì nguồn thu sẽ lớn hơn.
Theo Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ về cắt giảm chi phí cho DN, Chính phủ đưa ra hàng loạt hành động cụ thể yêu cầu các bộ, ngành vào cuộc để cắt giảm chi phí cho DN. Đối với việc cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật, các bộ và cơ quan ngang bộ thực hiện nghiêm nhiệm vụ cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh như đã nêu Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ, đảm bảo tuân thủ Điều 7 Luật Đầu tư 2014; rà soát, sửa đổi các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật theo hướng không quy định các nội dung có tính chất điều kiện kinh doanh trong quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật… Một số bộ được chỉ điểm rõ phải hành động, điển hình như: Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ… Với cắt giảm chi phí không chính thức, Chính phủ yêu cầu các đơn vị quản lý nhà nước phải xây dựng tài liệu hướng dẫn tuân thủ các quy định pháp luật về kinh doanh, dễ hiểu, dễ tuân thủ, không hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công khai, minh bạch hoạt động quản lý nhà nước…