Khách du lịch nước ngoài mua đồ lưu niệm. Ảnh minh họa |
Chưa được như kỳ vọng
Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, trong tháng 11 vừa qua, cả nước đã đón 1,17 triệu lượt khách đến. Đây là tháng thứ 8 từ đầu năm đến nay Việt Nam đón trên 1 triệu lượt khách.
Như vậy, tính chung 11 tháng của năm 2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt 11,645 triệu lượt, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2016. Đó là một kết quả rất khả quan.
Tuy nhiên, dù lượng khách đến Việt Nam tăng cao, nhưng theo nhiều chuyên gia du lịch DN, điều quan trọng hơn là làm sao để khách chi tiêu nhiều hơn, ở lại lâu hơn, quay lại sớm hơn và có ấn tượng tốt về du lịch Việt.
Số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2004, mức chi tiêu của du khách bình quân tại Việt Nam là 1.283,3 USD. Trong đó, chi tiêu cho mua sắm còn khá thấp, trung bình chỉ 16,6%, trong khi con số tương ứng ở Thái Lan là 19,6%, ở Singapore là 22,3%.
Số liệu điều tra tương ứng của Tổng cục Du lịch vào năm 2014 (10 năm sau) cũng không có nhiều cải thiện. Chi tiêu trung bình của một du khách là 1.114,4 USD, trong đó chi mua sắm chiếm 18,3%. Điều này có nghĩa là sau bao nhiêu quảng bá, truyền thông cho du lịch thì du khách đến Việt Nam vẫn không có thêm “động lực” tiêu tiền.
Với mục đích khuyến khích khách du lịch tiêu dùng, mua sắm, chính sách hoàn thuế VAT đã được triển khai theo đúng thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa phát huy hiệu quả như mong đợi, số lượng DN tham gia không nhiều, kết quả hoàn thuế cho du khách chưa cao, chưa thực sự tạo ra sức hút đối với du khách.
Hiện nay, Việt Nam có 8 cửa khẩu có bộ phận thực hiện công tác hoàn thuế với 67 doanh nghiệp (DN) tham gia bán hàng hoàn thuế VAT. Tuy nhiên, tại TPHCM trong 6 tháng đầu năm doanh thu bán hàng hoàn thuế chỉ đạt 15 tỷ đồng. Trong khi đó, Khánh Hòa chỉ hoàn trả được 15 triệu đồng. Mặt hàng hoàn thuế chủ yếu là thời trang, đồng hồ, điện thoại.
Ông Lê Tuấn Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Sơn Nhất cho biết, trong giai đoạn từ 2013- 2016, mỗi năm chỉ có khoảng 6.000 lượt khách tham gia hoàn thuế VAT tại cửa khẩu Tân Sơn Nhất. Năm nay, tính đến hết tháng 11, dù lượng khách tăng nhưng mỗi ngày chỉ có hơn 10 khách thực hiện thủ tục hoàn thuế VAT với số tiền không đáng kể.
Nguyên nhân do đâu?
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, nguyên nhân chủ yếu từ phía DN bán hàng hoàn thuế và cơ quan quản lý thuế. Phần nhiều DN bán hàng hoàn thuế đều chưa thực hiện nghĩa vụ cập nhật thông tin hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế vào hệ thống hoàn thuế điện tử, dẫn đến các cơ quan phải nhập dữ liệu bằng phương pháp thủ công, dễ có sai sót. Nhân viên bán hàng cũng chưa nắm rõ các quy định về hoàn thuế VAT nên chưa truyền đạt cho khách hàng.
"Việc thiếu các khẩu ngữ, hướng dẫn đã làm khách du lịch lầm tưởng Việt Nam không thực hiện chính sách hoàn thuế VAT khi du lịch mua sắm như các quốc gia khác trên thế giới", ông Hậu phân tích.
Luật sư Bùi Quang Tín, Giám đốc điều hành Trường Doanh nhân BizLight cho rằng, DN không mặn mà với việc đăng ký hoàn thuế cho du khách do chưa thấy được lợi ích khi tham gia trong khi thủ tục lại chưa thuận lợi, chưa thống nhất mã hàng, thiếu ký hiệu dẫn tới tốn nhiều thời gian. Bên cạnh đó, nhiều DN vẫn còn ngần ngại vì phải phải minh bạch về sổ sách tài chính, hóa đơn, chứng từ và nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Còn theo PGS.TS. Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM (nay là Viện Nghiên cứu phát triển – HIDS), mặc dù Bộ Tài chính có quy định về niêm yết giá bán trên thị trường nhưng tình trạng cùng một mặt hàng đầu chợ một giá, giữa chợ một giá, cuối chợ một giá đang làm nản lòng du khách.
Bên cạnh đó, “một nghịch lý là, hiện nay DN tham gia bán hàng hoàn thuế thì ế ẩm, DN bán được hàng lại không tham gia. Nhiều điểm bán hàng nổi tiếng tại TPHCM được du khách quốc tế ưa chuộng mua khá nhiều lại là của tư nhân, hộ cá thể, gia đình nên không đáp ứng được điều kiện để được công nhận điểm bán hàng hoàn thuế VAT”, ông Lương nhận xét.
Ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho rằng, thời gian tới cần đẩy mạnh tuyên truyền chương trình hoàn thuế trên các phương tiện thông tin để người kinh doanh, du khách biết.
Hiện nay, quy định bán hàng hoàn thuế đang thu hẹp phạm vi và đối tượng dẫn đến các điểm bán đồ thủ công mỹ nghệ, áo dài, đá phong thủy… kinh doanh theo phương thức hộ gia đình và đóng khoán thuế nên không được làm thủ tục hoàn thuế cho du khách. Về lâu dài, Nhà nước cần mở rộng thêm đối tượng bán hàng hoàn thuế VAT cho cả hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh.
Dưới góc nhìn của cơ quan hải quan, ông Lê Tuấn Bình đề xuất: “Để tạo thuận lợi cho việc hoàn thuế VAT, cần phải hiện đại hóa hồ sơ hoàn thuế, kết nối dữ liệu điện tử giữa nơi bán hàng, cơ quan hải quan, ngân hàng. Từ đó sẽ tạo thuận lợi khách hàng và cơ quan quản lý”.