Tăng thuế môi trường đối với than đá có thể gây ảnh hưởng đến giá điện. |
Theo tờ trình về biểu thuế bảo vệ môi trường, Chính phủ đề xuất tăng mức thuế đối với mỗi tấn than antraxit từ mức sàn 20.000 đồng lên 30.000 đồng, từ 10.000 đồng lên 15.000 đồng đối với than mỡ, than nâu và các loại than đá khác. Việc điều chỉnh được cho là nhằm hạn chế khai thác than, sử dụng tài nguyên thay thế có ảnh hưởng ít hơn đến môi trường.
Bộ Tài chính ước tính mỗi năm ngân sách sẽ thu về 2.385 tỷ đồng tiền thuế môi trường đối với than đá, tăng gần 800 tỷ đồng so với trước khi điều chỉnh.
Tuy nhiên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) ông Nguyễn Hoàng Trung lại cho rằng quan điểm tăng thuế nhằm hạn chế tác động của việc khai thác than không những chưa phù hợp mà còn gây ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế.
“Việc tăng thuế khiến doanh nghiệp khai thác gặp khó khăn lớn trong công tác đầu tư phát triển, cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, than là nguồn nguyên liệu chính phục vụ sản xuất điện nên việc điều chỉnh cũng tác động trực tiếp đến giá thành sản xuất điện”, ông Trung cho hay.
Theo lãnh đạo TKV, các loại thuế phí hiện nay chiếm khoảng 14-15% tổng giá thành. Hiệu quả đầu tư giảm sút do thuế phí liên tục tăng, đơn cử như thuế tài nguyên giai đoạn 2014-2016 tăng gấp đôi lên 10% đối với than hầm lò và 12% đối với than lộ thiên. Bình quân mỗi năm, doanh nghiệp này nộp trên 5.000 tỷ đồng thuế tài nguyên (tương đương 140.000 đồng đối với mỗi tấn than) và hàng trăm tỷ đồng cho phí bảo vệ môi trường, sử dụng tài liệu thăm dò khoáng sản, cấp quyền khai thác khoảng sản…
Trên cơ sở sản lượng than tiêu thụ trong nước là 35 triệu tấn mỗi năm, việc điều chỉnh thuế môi trường khiến TKV thêm 350 tỷ đồng tiền thuế và làm giảm lợi nhuận khoảng 170 tỷ đồng.
“Đề nghị Bộ Tài chính xem xét và báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường đối với than đá”, lãnh đạo TKV nêu ý kiến.
Đối lập với quan điểm của doanh nghiệp đầu ngành khai thác than, một số cơ quan như Cục Thuế tỉnh Bắc Giang, Hậu Giang… lại đề nghị cần tăng kịch khung thuế môi trường đối với mặt hàng này. Theo đó, than antraxit tăng từ 20.000 đồng lên 50.000 đồng; than mỡ, than đá tăng từ 10.000 đồng lên 40.000 đồng.
Ngoài phần đông ý kiến đồng tình, UBND Hà Nội là một trong số ít cơ quan cho rằng Chính phủ cần thêm lộ trình triển khai phù hợp do than là sản phẩm phổ thông thiết yếu, nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành công nghiệp nên việc tăng thuế môi trường có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nội địa, trong đó có điện.
Dự kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến và đưa ra quyết định có thông qua hay không sau khi lắng nghe đánh giá từ cơ quan thẩm tra.