Đề xuất cấm xe khách vào trung tâm TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM đề xuất cấm xe giường nằm vào trung tâm TP.HCM trong 4 năm tới, cấm xe khách từ 30 chỗ trong 8 năm tới để kiểm soát ách tắc giao thông.

Sở GTVT TP.HCM vừa đề xuất 2 phương án hạn chế xe khách vào nội đô Thành phố.

Động thái này nhằm kiểm soát tình trạng xe khách đón, trả khách đúng nơi quy định, hoạt động phương tiện vận tải hành khách có kích thước lớn và giải tỏa ách tắc khu trung tâm TP.HCM.

Theo đó, phương án 1 có 2 giai đoạn. Xe bị cấm lưu thông từ 6h đến 22h hàng ngày vào nội đô Thành phố theo hành lang Quyết định 23.

Trong giai đoạn 1 (2022 - 2025), cấm xe khách giường nằm. Giai đoạn 2 (từ năm 2025 đến năm 2030), cấm xe khách trên 30 chỗ (trừ xe buýt, xe phục vụ đám tang, xe công vụ).

Phương án 2 cũng có 2 giai đoạn cấm xe vào nội đô Thành phố theo khung giờ 6h - 22h hàng ngày. Trong đó, giai đoạn 1 (2022 - 2025) cấm xe khách giường nằm.

Còn giai đoạn 2 (2025 - 2030) cấm xe trên 16 chỗ (trừ xe buýt, xe phục vụ đám tang, xe công vụ, các xe du lịch được cấp phù hiệu riêng khi Thành phố ban hành).

Sở GTVT TP.HCM nhận định cả 2 phương án đều có khả năng giảm diện tích chiếm dụng mặt đường, tăng vận tốc lưu thông của phương tiện so với hiện nay tại trung tâm, đồng thời giải quyết tình trạng mất an toàn giao thông.

Tuy nhiên, phương án 2 có ảnh hưởng đến phần lớn doanh nghiệp vận tải hành khách trên địa bàn.

Xe 16 chỗ TP.HCM đi Vũng Tàu đón khách trên đường Nguyễn Thái Bình (Quận 1).

Xe 16 chỗ TP.HCM đi Vũng Tàu đón khách trên đường Nguyễn Thái Bình (Quận 1).

Do đó, Sở GTVT đề xuất lựa chọn phương án 1 để thực hiện do ít tác động kinh tế - xã hội và vẫn đảm bảo được hoạt động vận tải hành khách trong khu vực.

Trong đề xuất, Sở GTVT dự kiến có 15/17 điểm tại TP.HCM thuộc phạm vi hạn chế xe khách lưu thông trong năm 2022.

Khu trung tâm Thành phố có 2 điểm là đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Hữu Cảnh - Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1), Nguyễn Tất Thành (Quận 4).

Khu sân bay Tân Sơn Nhất có 5 điểm là đường Trường Chinh (đoạn từ đường Âu Cơ đến đường Tân Kỳ Tân Quý), quận Tân Bình; vòng xoay Lăng Cha Cả, quận Tân Bình; giao lộ Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình; đường Nguyễn Thị Định (từ vòng xoay Mỹ Thủy đến cảng Cát Lái); nút giao Mỹ Thủy, TP. Thủ Đức.

Khu cửa ngõ TP.HCM có 3 điểm là giao lộ Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh, Quận 7; ngã tư Tây Hòa, TP. Thủ Đức; giao lộ Quốc lộ 50 - Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh.

Các khu vực khác có 5 điểm gồm cầu Kênh Xáng trên đường Dương Bá Trạc, Quận 8; ngã tư Bốn Xã, quận Bình Tân và quận Tân Phú; giao lộ Nguyễn Oanh - Phan Văn Trị, quận Gò Vấp; giao lộ Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng, quận Bình Thạnh; đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (từ Bạch Đằng đến ngã 5 Đài Liệt sỹ), quận Bình Thạnh.

Hàng năm, TP.HCM tăng bình quân 8% lưu lượng phương tiện. Điều này gây áp lực lớn cho cơ sở hạ tầng đường bộ hiện còn hạn chế. Trong đó, xe tải chiếm 2,12% lượng xe hiện tại.

Hành lang giới hạn theo Quyết định 23:

Quốc lộ 1 (TP. Thủ Đức, Quận 12, Bình Tân, Bình Chánh) - đường Nguyễn Văn Linh (Bình Chánh, Quận 7) - đường Võ Chí Công (TP. Thủ Đức) - đường Đồng Văn Cống (TP. Thủ Đức) - đường Mai Chí Thọ (TP. Thủ Đức) - đường xa lộ Hà Nội (TP. Thủ Đức).

Chuyên đề