Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: VGP |
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Thống đốc, có 39 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt câu hỏi và ngoài ra có thêm 5 đại biểu tranh luận. Thống đốc đã trả lời trực tiếp hầu hết các nội dung chất vấn tại hội trường.
Phát biểu kết thúc về nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của Thống đốc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ hai diễn ra sôi nổi. Các đại biểu đã đặt câu hỏi thẳng thắn, cụ thể, trúng vấn đề. Mặc dù lần đầu trả lời chất vấn nhưng Thống đốc đã nắm chắc được tình hình và thực trạng, trả lời thẳng, làm rõ các vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu và đưa ra các giải pháp khắc phục.
Phần trả lời của Thống đốc NHNN nhận được sự hài lòng của ĐBQH và được cử tri đánh giá cao qua theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng. Đây là lĩnh vực khó, những tồn tại, hạn chế nội tại trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội từ nhiều năm trước đây đã và đang trong quá trình xử lý theo nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đã và đang tích cực điều hành giải quyết.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, qua chất vấn cho thấy, thời gian qua, các giải pháp điều hành của NHNN cơ bản là phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và sự chỉ đạo của Chính phủ, giữ được sự ổn định, mặt bằng lãi suất, thị trường ngoại hối và tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.
Các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng diễn biến phù hợp với định hướng đề ra. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, góp phần quan trọng vào mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Các giải pháp cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được triển khai và đạt được kết quả ban đầu theo mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, đối với các lĩnh vực thuộc nhóm nội dung chất vấn này vẫn còn nổi lên những tồn tại, yếu kém, hạn chế mà nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập. Như công tác điều hành chính sách tiền tệ còn nhiều thách thức. Việc tiếp cận nguồn vốn cho vay còn khó khăn.
Việc cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém hiệu quả chưa rõ nét, nhiều vấn đề đặt ra. Kết quả xử lý nợ xấu còn hạn chế và tình hình nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thực tế vẫn còn ở mức cao và diễn biến phức tạp. Tình trạng sở hữu chéo và vi phạm tỷ lệ sở hữu chưa được xử lý dứt điểm, mặc dù có nhiều cố gắng. Việc bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng cần phải có những giải pháp quyết liệt hơn…
Toàn cảnh phiên chất vấn. Ảnh: VGP
Hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện các giải pháp kiểm soát tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, chất lượng, phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế.
Tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Kiểm soát tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nghiên cứu sớm sửa đổi Nghị định 55 về chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn. Chú trọng cho vay đối với các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Có giải pháp hỗ trợ nhân dân vùng bị thiên tai, lũ lụt, sớm khôi phục hoạt động sản xuất ổn định đời sống.
Đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, đánh giá, triển khai có hiệu quả hoạt động cho vay hỗ trợ ngư dân, cho vay nhà ở xã hội, cho vay tín dụng sinh viên, học sinh và rà soát hoạt động cho vay để triển khai các dự án BOT giao thông.
Khẩn trương tiến hành sửa đổi, bổ sung thay thế các quy định về tổ chức hoạt động của các tổ chức tín dụng. Triển khai có hiệu quả các đề án, nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội, của Chính phủ về lĩnh vực tín dụng ngân hàng nhằm nâng cao năng lực quản trị điều hành, bảo đảm an toàn, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Tích cực triển khai đề án thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy hỗ trợ cho hoạt động thanh toán điện tử, thanh toán qua mạng, tăng cường huy động nguồn lực, vàng, ngoại tệ trong nhân dân để đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tập trung xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém theo nguyên tắc thị trường, không hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, xử lý căn bản và thực chất nợ xấu; có các giải pháp phù hợp để khuyến khích các cá nhân, tổ chức có tiềm lực tham gia vào việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.
Trong năm 2018, rà soát, sửa đổi các quy định về hoạt động của hệ thống tín dụng nhân dân, bảo đảm có hiệu quả, đáp ứng tình hình mới, tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm soát nội bộ, đặc biệt là kiểm tra đột xuất nhằm phát hiện kịp thời những yếu kém trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm, giảm thiểu rủi ro, minh bạch và sử dụng hiệu quả thông tin, đánh giá tín nhiệm các tổ chức tín dụng, ngân hàng.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh tới việc tiếp tục rà soát để xử lý hiệu quả tình trạng sở hữu chéo, thao túng ngân hàng, bảo đảm trật tự kỷ cương và an toàn trong hoạt động ngân hàng. Phối hợp với các bộ, ngành làm tốt công tác quản lý hoạt động cho vay của các công ty tài chính, hoạt động cho vay trong nhân dân, bảo đảm đúng pháp luật, tuân thủ các quy định về chính sách tiền tệ, có các biện pháp cụ thể đẩy mạnh hoạt động, nâng cao năng lực và bộ máy quản trị của các tổ chức tín dụng, điều hành và phát triển hệ thống quản trị rủi ro và công nghệ thông tin. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hệ thống.