Lối thoát nào cho đường sắt Cát Linh - Hà Đông?

(BĐT) - Tính đến thời điểm hiện tại, Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông đã khởi công xây dựng tròn 8 năm (10/2011 - 10/2019), tổng mức đầu tư tăng từ 8.770 tỷ đồng thành hơn 18.000 tỷ đồng, nhưng bao giờ Dự án hoàn thành, bàn giao và khai thác thương mại vẫn là một câu hỏi lớn chưa có lời đáp.
Tổng mức đầu tư của Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông đã tăng từ 8.770 tỷ đồng thành hơn 18.000 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Tổng mức đầu tư của Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông đã tăng từ 8.770 tỷ đồng thành hơn 18.000 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia và nhà quản lý, mặc dù đã hoàn thành khối lượng công việc đến hơn 99% nhưng việc giải quyết những tồn tại, vướng mắc của Dự án để đưa vào vận hành an toàn là điều không dễ gì hoàn thành “một sớm một chiều”.

Dự án được phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008, do Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc làm Tổng thầu. Dự án được khởi công vào tháng 10/2011 và dự kiến tiến độ hoàn thành trong 48 tháng kể từ ngày bàn giao mặt bằng sạch cho Tổng thầu.

Trong quá trình thực hiện, có nhiều yếu tố tác động làm chậm tiến độ Dự án như việc giải phóng mặt bằng (động thổ từ tháng 4/2010 nhưng đến cuối tháng 4/2015 mới có mặt bằng sạch), việc khảo sát để thiết kế, quy trình thủ tục có sự khác biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, thời gian qua, Bộ và Ban Quản lý dự án đường sắt (chủ đầu tư) đã có nhiều cuộc làm việc với Tổng thầu nhưng vẫn chưa đạt được kết quả. Phía Tổng thầu có dự kiến mốc tiến độ hoàn thành nhưng theo đánh giá của Bộ GTVT là chưa khả thi.
Sau nhiều lần điều chỉnh tiến độ hoàn thành và liên tục lỡ hẹn, đến nay Dự án vẫn đang gặp nhiều vướng mắc, tồn tại mà chưa thể bàn giao, đưa vào khai thác thương mại. Một trong những nguyên nhân là do Tổng thầu chưa hoàn thành công tác chỉnh trang, hoàn thiện mỹ quan, khắc phục tồn tại kiến trúc các nhà ga, khu depot, hoàn chỉnh hồ sơ hoàn công, thủ tục nghiệm thu. Đối với các thiết bị đã lắp đặt của Dự án, Tổng thầu chưa cung cấp được đầy đủ các chứng chỉ, hồ sơ… để hoàn tất đánh giá an toàn hệ thống; chưa hoàn thành đề cương vận hành thử toàn hệ thống để cho tất cả các đoàn tàu chạy thử (thông tin tín hiệu, hệ thống bán vé…) để đồng bộ hóa làm cơ sở kiểm chứng hoạt động của thiết bị và đánh giá độ sẵn sàng của hệ thống, nhân sự vận hành. Ngoài ra, Tổng thầu cũng chưa bổ sung đủ hồ sơ quản lý chất lượng nên đơn vị tư vấn độc lập đánh giá an toàn hệ thống (Công ty Tư vấn ACT của Pháp) chưa có đủ cơ sở xác định mức độ an toàn của toàn hệ thống và chưa đủ điều kiện để cấp chứng nhận an toàn hệ thống theo quy định…

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, thời gian qua, Bộ và Ban Quản lý dự án đường sắt (chủ đầu tư) đã có nhiều cuộc làm việc với Tổng thầu nhưng vẫn chưa đạt được kết quả. Phía Tổng thầu có dự kiến mốc tiến độ hoàn thành nhưng theo đánh giá của Bộ GTVT là chưa khả thi. Hiện Bộ GTVT đang yêu cầu Tổng thầu khẩn trương lập kế hoạch chi tiết, cụ thể đối với từng hạng mục còn lại để xác định thời gian hoàn thành Dự án.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều chuyên gia về cầu đường cũng bày tỏ quan ngại đối với việc hoàn thành và vận hành Dự án, bởi quá trình thực hiện Dự án có nhiều tồn tại và sai sót.

Ngoài những lý do từ phía Tổng thầu, trong công tác xây dựng và quản lý hợp đồng Dự án của Việt Nam cũng còn có nhiều hạn chế. Chẳng hạn, do việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng (kéo dài 5 năm) nên không thể hoàn thành công tác khảo sát thiết kế, lập tổng dự toán để làm cơ sở xác định giá trị trọn gói ngay từ đầu, nên từ khi khởi công Dự án đến cuối năm 2015, Chủ đầu tư phải thực hiện hình thức duyệt, tạm duyệt dự toán để có cơ sở cho việc thực hiện một số hạng mục xây lắp, tạm thanh toán giá trị khối lượng cho Tổng thầu trong giai đoạn này…

Hơn nữa, do thời gian thực hiện Dự án quá dài, nên việc khớp nối một cách đồng bộ các hạng mục đã thi công, lắp đặt để đơn vị tư vấn độc lập đánh giá an toàn hệ thống kiểm duyệt, cho phép đưa vào vận hành Dự án một cách an toàn không phải là “bài toán” dễ giải.

Chuyên đề