Để cơ chế đặc thù không trở nên vô nghĩa

(BĐT) - Những cơ chế đặc thù thường có nguyên nhân đặc biệt để được áp dụng và có những trường hợp là do cấp bách. Dù với lý do gì, khi cân đong đo đếm giữa tiết kiệm về thời gian trong lựa chọn nhà thầu và những hiệu quả đem lại, có thể nhìn rõ được và mất so với đấu thầu rộng rãi, cạnh tranh.
Dự án Xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên là một trong 8 dự án giao thông tại Hà Nội được Thủ tướng cho phép áp dụng hình thức giao thầu vì lý do cấp bách. Ảnh: Minh Tuấn
Dự án Xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên là một trong 8 dự án giao thông tại Hà Nội được Thủ tướng cho phép áp dụng hình thức giao thầu vì lý do cấp bách. Ảnh: Minh Tuấn

Sau hơn 10 tháng từ thời điểm được Thủ tướng Chính phủ cho phép giao thầu (một hình thức đặc biệt quy định tại Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng), Dự án Xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên (Hà Nội) vẫn chưa thể khởi công. Vướng mắc dẫn đến chậm trễ này lại không phải do công tác lựa chọn nhà thầu, mà vì nhiều nguyên nhân khác, chẳng hạn như chưa thống nhất được phương án thiết kế. Trong khi đó, khi xin cơ chế đặc thù này, lý do chính theo chủ đầu tư là vì cấp bách, phải khởi công và hoàn thành sớm để giải tỏa ách tắc giao thông.

Đây là một trong 8 dự án giao thông tại Hà Nội được Thủ tướng cho phép áp dụng hình thức giao thầu. Nhìn lại cả 8 dự án, gần 3 tháng sau khi được đồng ý thực hiện theo lệnh khẩn cấp, 7/8 dự án giao thông cấp bách của Hà Nội vẫn chưa khởi công. Đến cuối tháng 11 năm trước, cũng chỉ có 3 công trình đang được triển khai thi công; 2 công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ dự án; 2 công trình tạm dừng triển khai, 1 công trình mới xem xét về phương án bố trí vốn.

Tuy áp dụng cơ chế giao thầu, nhưng theo chủ đầu tư, quy trình thực hiện vận dụng theo hình thức chỉ định thầu. Cụ thể, phải triển khai thực hiện các bước như: Phê duyệt hồ sơ yêu cầu giao thầu; Phát hành hồ sơ yêu cầu giao thầu; Chuẩn bị hồ sơ đề xuất giao thầu; Đánh giá hồ sơ đề xuất giao thầu; Thẩm định và phê duyệt kết quả giao thầu; Ký kết hợp đồng giao thầu.

Đo đếm lại thời gian đấu thầu rộng rãi và thực tế triển khai Dự án Xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên (Hà Nội) có thể thấy thời gian đấu thầu rộng rãi không ảnh hưởng nhiều đến tiến độ dự án. Theo quy định hiện hành, nếu cộng theo cả mốc tối thiểu và tối đa, thời gian đấu thầu rộng rãi gói thầu quy mô lớn, phức tạp đối với đấu thầu trong nước khoảng 128 ngày (4 tháng); gói thầu từ 20 tỷ đồng trở xuống đối với gói thầu xây lắp, từ 10 tỷ đồng trở xuống đối với gói thầu mua sắm hàng hóa khoảng 83 ngày. Trong khi đó thời gian đối với chỉ định thầu khoảng 98 ngày.

Qua kiểm tra thực tế và tổng hợp của Bộ KH&ĐT, nhiều chủ đầu tư đã thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu với thời gian ngắn hơn mức tối đa mà Luật cho phép (thời gian thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu quy định tối đa là 20 ngày nhưng thực tế nhiều chủ đầu tư đã hoàn thành thẩm định chỉ trong 5 - 7 ngày).

Dự án Xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên (Hà Nội) đã được Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi để triển khai nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu khẩn cấp. Thế nhưng, nếu so với thời gian thực tế của Dự án, đặt một giả thiết, nếu không giao thầu mà tổ chức đấu thầu rộng rãi, thì có lẽ cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tiến độ hoàn thành Dự án, vì dù được cơ chế giao thầu nhưng đến nay Dự án vẫn chưa thể khởi công. Hơn nữa, rất có thể qua đấu thầu cạnh tranh, có thể lựa chọn được nhà thầu đáp ứng yêu cầu với mức giá tốt hơn, tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước.

Bộ NN&PTNT đã có Văn bản 10309/BNN-TCTL do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng ký trả lời công văn của UBND TP. Hà Nội về việc thỏa thuận phương án thiết kế Dự án Xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên, kết hợp điều chỉnh kết cấu đê hữu Hồng đoạn từ Khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương (Hà Nội).

Văn bản 10309/BNN-TCTL cho biết, Bộ NN&PTNT thống nhất với đề nghị của UBND TP. Hà Nội về một số nội dung. Cụ thể là điều chỉnh kết cấu đê hữu Hồng đoạn từ Khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương, chiều dài khoảng 1.100m: Thay thế một phần kết cấu đê đất bằng kết cấu tường chắn bê tông cốt thép dạng chữ L, đảm bảo an toàn chống lũ, kết hợp giao thông, cải tạo cảnh quan đô thị. Mở rộng cửa khẩu An Dương từ 02 khoang lên 03 khoang, kích thước (2x6 +4)m và xây dựng mới 03 cửa khẩu để thay thế các dốc lên đê hiện có (tại các ngõ 108; 276 và 310 Nghi Tàm), kích thước 2x4m. Điều chỉnh phương án thiết kế cầu vượt tại nút giao thông đường An Dương - đường Thanh Niên với bề rộng mặt cầu từ 9m lên 10m, chiều dài cầu được điều chỉnh để nối tiếp phù hợp với mặt đường giao thông trên đê thiết kế…

Bộ NN&PTNT cũng đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan phải có phương án thiết kế đảm bảo cao trình mặt đê đất sau khi hạ thấp không được thấp hơn mực nước lũ thiết kế tương ứng tại vị trí công trình vì đây là tuyến đê cấp đặc biệt, có vai trò đặc biệt quan trọng trong đảm bảo an toàn chống lũ cho khu vực trung tâm Thủ đô Hà Nội.

Như Báo Đấu thầu đã phản ánh, mới đây, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản đề xuất Bộ NN&PTNT về việc hạ độ cao một đoạn đê sông Hồng đến dương 12,4 m, kéo dài từ Khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương.

Liên Hương

Chuyên đề