Đấu thầu tại huyện Quảng Ninh (Quảng Bình): Thêm tiêu chí không cần thiết để loại nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, một gói thầu thi công nâng cấp đường giao thông có dự toán chưa đến 2 tỷ đồng bị các nhà thầu phản ánh rằng “đề bài” đưa ra nhiều yêu cầu khó. Theo biên bản mở thầu, chỉ có một nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT) với mức giá dự thầu gần sát với giá gói thầu.
Gói thầu Xây dựng thuộc Dự án Nâng cấp đường Trúc Ly - Hàm Ninh do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Quảng Ninh làm chủ đầu tư. Ảnh minh họa: LTT
Gói thầu Xây dựng thuộc Dự án Nâng cấp đường Trúc Ly - Hàm Ninh do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Quảng Ninh làm chủ đầu tư. Ảnh minh họa: LTT

Gói thầu Xây dựng thuộc Dự án Nâng cấp đường Trúc Ly - Hàm Ninh, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Quảng Ninh là chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu.

Theo phản ánh của nhà thầu, trong số các tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, hồ sơ mời thầu (HSMT) yêu cầu đại diện hợp pháp của nhà thầu tổ chức khảo sát hiện trường, có sơ đồ vận chuyển vật liệu đến hiện trường công trình. Thêm vào đó, HSMT cũng yêu cầu nhà thầu phải có biên bản thống nhất vị trí đổ thải với chính quyền địa phương hoặc đơn vị có thẩm quyền nơi thực hiện đổ thải. Đối với các nội dung này, HSMT áp dụng đánh giá theo tiêu chí đạt/không đạt.

Nhà thầu khẳng định, không có cơ sở pháp lý để đưa các tiêu chí nêu trên vào một trong những nội dung đánh giá nhà thầu. Việc đưa ra các tiêu chí này tại HSMT đi ngược lại tinh thần Chỉ thị số 47/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, gây ra các hạn chế cạnh tranh.

Đồng thời, nhà thầu cũng bày tỏ e ngại rằng, quá trình tiếp xúc Chủ đầu tư, hoặc các đầu mối khác để tìm hiểu thông tin của công trình, dự án, xin các xác nhận... có thể khiến cho thông tin dự thầu của nhà thầu bị tiết lộ. Từ đó, khó có thể bảo đảm minh bạch, cạnh tranh khi dự thầu.

Nhà thầu cho rằng, công tác khảo sát thực địa là cần thiết đối với những gói thầu thi công các công trình, dự án quy mô lớn, được triển khai trên địa bàn đặc thù, phức tạp. Còn tại gói thầu này, xét về quy mô, chỉ dành cho doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ. Về tính chất, đây là gói thầu thi công nâng cấp, sửa chữa đường giao thông liên xã, không phức tạp, các nội dung như địa điểm, địa hình, thiết kế… đã thể hiện trong hồ sơ Dự án, nhà thầu hoàn toàn có thể chủ động tìm hiểu thông tin.

Tuy nhiên, Bên mời thầu cho rằng, thông qua việc tổ chức khảo sát hiện trường, các nhà thầu sẽ nắm rõ về tính chất, độ phức tạp của Gói thầu, từ đó đề xuất phương án thi công hợp lý. Bên cạnh đó, yêu cầu xác nhận vị trí đổ thải nhằm mục đích bảo đảm các yêu cầu về an toàn vệ sinh môi trường. “Trường hợp nhà thầu có hợp đồng nguyên tắc với đơn vị chuyên môn xử lý phế thải trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, phải xác định vị trí đổ thải cụ thể được cho phép, thì mới được đánh giá là đạt”, Chủ đầu tư nhấn mạnh.

Ngày 12/5/2021, Gói thầu được mở thầu qua mạng. Theo đó, nhà thầu duy nhất nộp HSDT là Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Linh Lương (địa chỉ tại huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), với giá dự thầu 1.779.021.694 đồng, giảm gần 1 triệu đồng so với giá gói thầu.

Một chuyên gia đấu thầu cho rằng, pháp luật về đấu thầu không có quy định bắt buộc nhà thầu tiến hành khảo sát hiện trường. Thay vào đó, phần chỉ dẫn nhà thầu tại các mẫu HSMT chỉ đề cập đến nội dung này theo hướng khuyến khích nhà thầu thực hiện công tác khảo sát hiện trường và tự chịu trách nhiệm cho những rủi ro của mình như tai nạn, mất mát hoặc thiệt hại tài sản và bất kỳ chi phí nào khác phát sinh từ việc khảo sát hiện trường. Chủ đầu tư/bên mời thầu cần tạo điều kiện để các nhà thầu thực hiện việc khảo sát này. Do đó, đây không phải tiêu chí để đưa vào HSMT nhằm đánh giá nhà thầu.

Từ đó, vị chuyên gia về đấu thầu này khuyến nghị, thay vì thêm vào HSMT các yêu cầu khó, không cần thiết so với quy mô, tính chất gói thầu, Bên mời thầu cần linh hoạt trong việc xây dựng các tiêu chí đánh giá nhằm gia tăng tính cạnh tranh, tiết kiệm trong đấu thầu.

Chuyên đề